Tài chính quốc tế

Mỹ và đồng minh áp đặt 2 mức giá trần riêng biệt đối với dầu mỏ Nga

(VNF) - Đại diện của Liên minh Giới hạn giá, gồm Mỹ và các đồng minh G7, đã đồng ý áp đặt 2 mức giá trần riêng biệt cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố hôm 20/1.

Mỹ và đồng minh áp đặt 2 mức giá trần riêng biệt đối với dầu mỏ Nga

Mỹ và G7 sẽ xem xét áp đặt 2 mức giá trần riêng cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

"Các đại biểu đã đồng ý với một cách tiếp cận đối với các sản phẩm tinh chế sẽ thiết lập hai mức trần riêng biệt, ngoài mức trần dầu thô: một mức trần cho các sản phẩm thường được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu thô, chẳng hạn như dầu diesel hoặc dầu khí, và một mức trần cho các sản phẩm được giao dịch ở mức giảm giá dầu thô, chẳng hạn như dầu nhiên liệu", Bộ Tài chính cho biết hôm 20/1.

Không chỉ xác nhận việc áp dụng các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga, trong cuộc họp mới nhất, Mỹ và các đồng minh cũng đồng ý xem xét lại giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga vào tháng 3, sau khi xem xét những thay đổi tiềm năng của thị trường sau khi giá trần được áp dụng vào tháng 2.

"Các đại biểu đã đồng ý thực hiện đánh giá mức trần giá dầu thô vào tháng 3", tuyên bố của Bộ cho biết.

Theo Bộ, điều này "sẽ cho phép Liên minh tính đến sự phát triển trên thị trường toàn cầu sau khi giới hạn sản phẩm tinh chế được thực hiện" và sẽ cho phép "Liên minh nắm được kết quả sơ bộ về lệnh giới hạn giá".

Trước đó, Liên minh có kế hoạch xem xét lại mức giá trần vào ngày 5/2 với các sản phẩm dầu của Nga, khoảng 2 tháng sau khi mức trần giá 60 USD chính thức được áp dụng. 

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết việc giới hạn giá dầu có hai mục tiêu: cắt giảm doanh thu của Nga bằng cách thể chế hóa việc giảm giá mạnh đối với dầu được mua bởi những người tiêu dùng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, và đảm bảo an ninh cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong một diễn biến liên quan, trong một chuyến thăm tới châu Phi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ quan điểm rằng việc G7 hạn chế giá dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga có thể giúp 17 quốc gia châu Phi nhập khẩu dầu ròng lớn nhất, với mỗi quốc gia có thể tiết kiệm 6 tỷ USD mỗi năm. 

Thậm chí, với một số quốc gia thị trường mới nổi, số tiền tiết kiệm được còn lớn hơn 6 tỷ USD nhờ việc áp dụng mức giá trần. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khuyến khích các quốc gia cũng áp dụng biện pháp này và hạn chế hết mức nguồn thu từ năng lượng của Nga.

Trong khi đó, phía Moscow đã ra sắc lệnh tuyên bố sẽ không bán dầu cho các quốc gia hay khách hàng ủng hộ lệnh trần giá của Mỹ và các đồng minh. Cả Trung Quốc và Ấn Độ, các khách hàng trọng điểm mới của Nga, cũng không ủng hộ việc áp đặt trần giá.

Xem thêm >> Kinh tế Nga năm 2022: Doanh thu năng lượng tăng vọt, tình hình ổn định

Tin mới lên