Mỹ, EU đồng thuận không loại Nga khỏi SWIFT

Quỳnh Anh - 25/02/2022 13:14 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chọn không loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow, tuy nhiên vẫn có thể xem xét điều này, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.

VNF
Sau buổi họp ngày 24/2 tại Brussels (Bỉ), Mỹ và EU đã thống nhất chưa loại Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Về nguyên nhân chưa thực hiện biện pháp này, tổng thống Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với các ngân hàng Nga vượt quá tác động của việc cắt Nga khỏi SWIFT, đồng thời, các quốc gia khác cũng không đồng ý thực hiện bước bổ sung vào thời điểm này.

"Đó luôn luôn là một lựa chọn", ông Biden nói, "nhưng hiện tại, đó không phải là thứ mà châu Âu mong muốn”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết việc cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT không phải là một phần của gói trừng phạt thứ hai của EU đối với Nga.

Thủ tướng Đức nói thêm về quyết định của EU: "Điều rất quan trọng là chúng tôi đồng ý với các biện pháp đã được chuẩn bị sẵn - và chuẩn bị sẵn mọi thứ cho tình huống cần thực hiện tới bước đó”.

Ông Olaf Scholz cho biết Đức - một đối tác thương mại quan trọng của Nga - phản đối việc ngăn cản quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán vào thời điểm này, nhưng cũng cho rằng bước đi như vậy vẫn có thể thực hiện ở giai đoạn sau.

Được biết, các quốc gia thành viên EU khác không muốn thực hiện động thái trên do lo ngại sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền của mình, bất chấp việc biện pháp trừng phạt này có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng Nga.

Một nguyên nhân khác là Nga cũng đang xây dựng một hệ thống thanh toán thay thế với sự trợ giúp của Trung Quốc, và rất có thể biện pháp loại Nga khỏi SWIFT cũng không hẳn là một đòn “chí mạng” với quốc gia này, đặc biệt là sau khi tổng thống Putin tuyên bố Nga đã chuẩn bị sẵn cho mọi kịch bản trừng phạt.

Việc đồng thuận giữ Nga lại hệ thống SWIFT lúc này cũng là biện pháp giữ cho khối EU không bất đồng sâu sắc thêm, đồng thời không làm ảnh hưởng tới tình hình tại châu Âu và hệ thống SWIFT, một nhà ngoại giao thuộc EU cho biết.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy các nhà cho vay châu Âu nắm giữ phần lớn nhất trong số gần 30 tỷ USD tiếp xúc của các ngân hàng nước ngoài với Nga.

Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) có trụ sở tại Bỉ, là một tổ chức cung cấp mạng nhắn tin được các ngân hàng sử dụng rộng rãi để gửi và nhận các lệnh chuyển tiền hoặc thông tin, được giám sát bởi các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Xem thêm >> Mỹ, EU tung loạt đòn trừng phạt nhằm gây ‘tổn thất trầm trọng’ cho kinh tế Nga

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác