Mỹ lại tăng cường ‘đe nẹt’ sát ngày ông Putin sang Ấn Độ ký thỏa thuận bán S-400

Minh Đăng - 04/10/2018 15:55 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ một lần nữa cảnh báo các đồng minh về khả năng bị Washington áp đặt trừng phạt nếu họ tiến hành các giao dịch với Nga.

VNF
"Rồng lửa" S-400 của Nga.

Ngày 4/10, Tổng tống Nga Vladimir Putin thực hiện chuyến thăm 2 ngày tới Ấn Độ nhằm bàn bạc về các thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trước đó, điện Kremlin cho biết nội dung chính trong chuyến công du của ông Putin sẽ là việc Nga ký kết hợp đồng trị giá 5 tỷ USD cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ.

Khi được hỏi về việc Ấn Độ được cho là sẽ mua hệ thống S-400 Triumf của Nga, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/10 cho biết: "Chúng tôi hối thúc tất cả các đồng minh và đối tác của mình không thực hiện giao dịch với Nga, bởi điều đó sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)."

Hồi cuối tháng 9, một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận Ủy ban Nội các về an ninh Ấn Độ (CCS) đã phê chuẩn thương vụ mua 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trị giá 5,43 tỷ USD.

Theo RT, không quân Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được tổ hợp S-400 đầu tiên trong vòng 24 tháng sau khi hợp đồng được ký kết. Phần còn lại sẽ được chuyển tới New Delhi trong vòng 4-5 năm tới.

Ấn Độ sẽ thanh toán 15% giá trị hợp đồng vào thời điểm ký kết và thanh toán nốt phần còn lại khi tiếp nhận hệ thống phòng không.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra những lời “đe dọa” tới các đồng minh về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng trước cũng tuyên bố việc mua một hệ thống quân sự đáng kể như S-400 sẽ được xem là một "giao dịch lớn và do đó có khả năng" dẫn đến các biện pháp trừng phạt dựa trên CAATSA.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/9 mới đây cũng đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đã mua tiêm kích Su-35S và tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Phát biểu tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt trên toàn thế giới, đồng thời lạm dụng đồng USD như một công cụ để gây ảnh hưởng toàn cầu "không sớm thì muộn cũng sẽ phải nhận hậu quả".

S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. Đây là 1 phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300. Trong quá trình phát triển, Triumf được gọi bằng tên định danh là S-300PMU3 và vì vậy có ý kiến cho rằng cái tên S-400 mang hàm ý quảng bá nhiều hơn.

Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40–120 km với tên lửa 9M96, 250 km với tên lửa 48N6 và tới 400 km với tên lửa 40N6. S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km và cao 40–50 km.

Xem thêm >> Triều Tiên: Phi hạt nhân hóa là một loại cây ‘mọc trên niềm tin’

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác