Mỹ thêm 9.845 ca nhiễm Covid-19 trong ngày, ông Trump lo ngại biện pháp phong tỏa phá hủy đất nước

Chu La - 25/03/2020 13:56 (GMT+7)

(VNF) - Với 9.845 ca nhiễm mới trong ngày 24/3, Mỹ tiếp tục là nước có số ca nhiễm mới cao nhất liên tiếp trong 3 ngày qua. Hiện Mỹ có tổng cộng 53.595 ca nhiễm và 696 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

VNF
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục 10.168 trong ngày 23/3, cũng là số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ 2 thế giới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ sau ngày đỉnh điểm ở Trung Quốc với 14.108 ca.

Đặc biệt, Mỹ ngày 24/3 đã ghi nhận ca tử vong trẻ dưới 18 tuổi đầu tiên, nạn nhân sống tại Lancaster, phía bắc Los Angeles.

Cũng trong ngày 24/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi những người đã từng ở New York tự cách ly 14 ngày nhằm hạn chế khả năng lây lan của Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá với tình trạng bùng nổ số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ như hiện nay, quốc gia này có nguy cơ trở thành “ổ dịch” tiếp theo.

Ông Trump cảnh báo biện pháp phong tỏa có thể phá hủy đất nước

Trả lời kênh truyền hình Fox News ngày 24/3, Tổng thống Trump cho biết ông đang cân nhắc khả năng điều chỉnh biện pháp cách ly và dãn cách xã hội để người lao động Mỹ có thể trở lại làm việc và giúp nền kinh tế đang gặp khó khăn quay trở lại đúng hướng.

"Rất nhiều người đồng ý với tôi. Đất nước của chúng ta không phải được xây dựng để đóng cửa", ôngTrump khẳng định đồng khởi cho rằng biện pháp này sẽ phá hủy một đất nước.

Ngoài ra, ông Trump cũng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ mở cửa trở lại vào dịp Lễ Phục sinh, tức ngày 12/4.

Tuyên bố của ông Trump đi ngược khuyến cáo của các quan chức y tế cộng đồng, bao gồm siết chặt hơn nữa các hạn chế về tiếp xúc nơi công cộng mà Mỹ đã thực hiện trong tuần qua để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Các biện pháp phong tỏa, cách ly và "cách biệt cộng đồng" để chống Covid-19 được thiết lập ở hầu hết các bang của Mỹ, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đình trệ đột ngột.

Giới phân tích ước tính, số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp sẽ lên mức kỷ lục trong tuần tới, khoảng 3 triệu người. Trong khi đó, các bệnh viện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị và nhân viên trong bối cảnh khủng hoảng.

California và New York, những tiểu bang đóng góp hàng đầu cho kinh tế Mỹ, đã đóng cửa tất cả doanh nghiệp không cần thiết vô thời hạn trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan. Các biện pháp tương tự đã hoặc đang có kế hoạch thực hiện tại New Jersey, Illinois và Connecticut.

Xem thêm >> Covid-19 cùng bất ổn kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới trái phiếu khu vực Đông Á mới nổi

Theo AFP
Cùng chuyên mục
Tin khác