Mỹ tìm cách rót tiền cho thủ lĩnh đối lập để lật đổ Tổng thống Venezuela

Thành Đạt - 03/05/2019 17:10 (GMT+7)

Chính quyền Mỹ được cho là đang tìm cách “rót tiền” để hỗ trợ về tài chính cho thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido, bao gồm mở cửa các tài khoản bị đóng băng hoặc các khoản vay.

VNF
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido kêu gọi người biểu tình trong cuộc đảo chính hôm 30/4. (Ảnh: Reuters)

Đài CNN ngày 3/5 dẫn 3 nguồn tin quan chức Mỹ cho biết mục đích của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi tìm cách hỗ trợ tài chính cho thủ lĩnh đối lập Venezuela là nhằm giúp ông Guaido có thêm tiền để chi trả cho các nhân viên chính phủ và quân đội. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm chia rẽ nội bộ và lật đổ chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

“Họ đang cố tìm cách giúp chính phủ lâm thời (tự xưng của Venezuela) trả lương và thanh toán các khoản tiền, để từ đó họ có thể tuyên bố rằng: “Chúng tôi là một chính phủ đang vận hành”, một trợ lý cấp cao của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cho biết.

“Đó có thể là các khoản tiền dành cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả những người trong quân đội”, nguồn tin nói, đồng thời tiết lộ chính quyền Trump đang cân nhắc hàng loạt biện pháp để viện trợ tài chính và nhân đạo cho thủ lĩnh đối lập Venezuela.

Phương thức chuyển tiền

Theo các nguồn tin và giới chuyên gia, Mỹ không thể trực tiếp chuyển tiền bằng máy bay tới Venezuela vì còn liên quan tới hệ thống phòng không của nước này. Thay vào đó, chính quyền Trump có thể chuyển tiền tới một nước láng giềng của Venezuela, chẳng hạn Colombia, sau đó đưa tới khu vực biên giới của Venezuela.

Theo cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Michael Dobson, cơ quan này có thể nới lỏng trừng phạt đối với các công ty nhà nước của Venezuela theo một cách đặc biệt nào đó để tiền có thể chảy vào túi thủ lĩnh đối lập. Ông Dobson nói rằng Mỹ có thể quyên góp cho phe đối lập Venezuela.

Chính quyền Trump đã tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho Juan Guaido ngay sau khi Mỹ trở thành nước đầu tiên công nhận ông này là tổng thống lâm thời của Venezuela hồi tháng 1. Washington tin rằng việc rót tiền cho Juan Guaido là chìa khóa để giúp ổn định tình hình tại Venezuela và bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổng thống tự phong. Ngoài Mỹ, hơn 50 nước khác cũng công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.

Chỉ 2 ngày sau khi Juan Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trao cho ông này quyền kiểm soát các tài sản của chính phủ Venezuela tại Mỹ, bao gồm các tài khoản ngân hàng và bất động sản.

Tháng trước, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết Mỹ đang nỗ lực để hỗ trợ kinh tế cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido cũng như người dân Venezuela, điều mà Washington cho là cần thiết.

“Chúng tôi có nhiều kế hoạch để tái thiết nền kinh tế Venezuela và hành động cũng rất nhanh. Đó là kế hoạch về tài chính, kế hoạch về lương thực, phát tiền mặt cho người dân trên đường phố, làm việc với các ngân hàng trong khu vực để họ giúp chúng tôi”, ông Kudlow cho biết.

Cũng theo ông Kudlow, Mỹ đang cân nhắc sử dụng mạng lưới “ngân hàng, điện thoại iPhone, các ứng dụng và nhiều cách thông minh khác để đưa tiền vào Venezuela” nhằm ủng hộ thủ lĩnh đối lập.

Nhiều tháng gần đây, các chính phủ từng công nhận tổng thống tự phong Guaido, bao gồm các nước ở khu vực châu Âu và Caribe, đã đóng băng tài sản nhà nước Venezuela, bao gồm các tài khoản ngân hàng để ngăn không cho chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Nicolas Maduro được tiếp cận.

“Chuyện này đang diễn ra trên toàn thế giới. Các tài sản nhà nước của Venezuela đang có nguy cơ rủi ro”, Kevin Ivers, chuyên gia về Mỹ Latin tại DCI Group, nói, đồng thời cho biết Tổng thống Maduro đang tìm cách tiếp cận các tài sản này.

Thời điểm quan trọng

Đặc phái viên Mỹ về Venezuela Eliott Abrams hồi tháng 4 cho biết Washington dự kiến sẽ rót hàng tỷ USD đầu tư vào Venezuela nếu Tổng thống Maduro từ chức.

“Trong tương lai, hàng tỷ USD sẽ được đầu tư vào Venezuela để tái thiết ngành nông nghiệp và công nghiệp của nước này”, ông Abrams phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington.

Người ủng hộ vây quanh xe của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido trong đảo chính hôm 30/4. (Ảnh: Reuters)

Cũng theo nhà ngoại giao Mỹ, các thể chế tài chính toàn cầu đang lên kế hoạch cho Venezuela vay mượn thêm hàng tỷ USD. Trong khi đó, viện trợ nhân đạo luôn “sẵn sàng” chuyển tới biên giới Venezuela.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận định hiện tại là thời điểm quan trọng để hỗ trợ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido trong bối cảnh đội ngũ trung thành xung quanh Tổng thống Maduro đang vơi bớt dần.

Tuy nhiên, phát biểu với báo chí tại thủ đô Caracas hôm 1/5, Juan Guaido thừa nhận nỗ lực của ông trong việc lật đổ chính quyền Maduro bị thất bại một phần bởi vì ông không nhận được đủ sự ủng hộ từ quân đội. Thủ lĩnh đối lập Venezuela từng nhiều lần kêu gọi các lực lượng vũ trang “đứng về phía người dân”.

Trước đó một ngày, ông Guaido đã kêu gọi quân đội Venezuela đảo chính lật đổ chính quyền Maduro. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại nhanh chóng và giáng một đòn mạnh vào phe đối lập tại Venezuela.

“Chúng tôi thừa nhận rằng hôm qua (30/4) là chưa đủ, chúng tôi phải thuyết phục tất cả lực lượng vũ trang cùng nhau phản đối chính phủ. Chúng tôi không kêu gọi một cuộc đối đầu giữa những người anh em, mà ngược lại, chúng tôi chỉ muốn họ đứng về phía người dân”, ông Guaido nhấn mạnh.

Xem thêm >> Rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ chi hơn 1 tỷ USD phát triển tên lửa

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác