Mỹ-Trung bất ngờ 'buông súng', kết thúc chiến tranh thương mại

An Nhiên - 20/05/2018 15:18 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ và Trung Quốc vừa bất ngờ tuyên bố từ bỏ chiến tranh thương mại đang gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng cam kết ngừng trả đũa bằng cách tăng thuế lẫn nhau.

VNF
Mỹ-Trung bất ngờ 'buông súng', kết thúc chiến tranh thương mại

Phát biểu trước báo giới tại Washington ngày 19/5 sau cuộc họp quan trọng với các quan chức cấp cao Mỹ, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He (Chu Hạc) tuyên bố hai nước cam kết không tham gia một cuộc chiến thương mại và ra Tuyên bố chung về vấn đề này.

Trước đó, Mỹ - Trung đã kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 2 tại Mỹ, trong một nỗ lực nhằm tránh chiến tranh thương mại leo thang gây thiệt hại nặng nề cho cả hai nước. 

Bắc Kinh và Washington đã đồng ý "giảm đáng kể" sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước trong một tuyên bố chung. Trung Quốc cam kết sẽ tăng lượng nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong thời gian tới.

>>> Sửa Luật Phòng chống tham nhũng: Đảm bảo củi to, củi ướt đều cháy!

Trung - Mỹ căng thẳng - nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, các nhà lãnh đạo quốc gia đã cùng ngồi xuống bàn đàm phán song phương bàn luận về tăng cường hợp tác. Trong một tuyên bố do Nhà Trắng công bố, cả hai bên cùng thống nhất về “các biện pháp hữu hiệu để giảm đáng kể thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc".

Chỉ trước đó một ngày, cả hai quốc gia đều bất ngờ trước tuyên bố của Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại của mình với Hoa Kỳ 200 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, về phần mình, Bắc Kinh không cam kết một con số cụ thể như lời cố vấn Kudlow. Tạp chí Wall Street Journal hôm thứ Bảy đưa tin rằng các nhà đàm phán Mỹ đã thất bại trong nỗ lực đề xuất được một con số chính xác, và hai bên đã phải rất khó khăn để cùng đồng ý với ngôn ngữ của tuyên bố chung.

Mỹ - Trung bất ngờ từ bỏ chiến tranh thương mại

Sự mất cân bằng thương mại từ lâu đã là một trở lực của mối quan hệ Trung-Mỹ. Dữ liệu của Bộ Thương mại gần đây cho thấy thâm hụt đã đạt kỷ lục trong năm 2017 với hơn 375 tỷ USD.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rất cố gắng đưa ra một giải pháp cho “rào cản” này, dựa trên mối quan hệ cá nhân khá tốt với người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông đã từng viết trong một bài đăng trên Twitter: "Chủ tịch Tập (ông Tập Cận Bình) và tôi sẽ luôn là bạn bè, dù cho bất kể điều gì xảy ra với những bất đồng về thương mại của chúng tôi”.

Tuyên bố chung là một trong những nỗ lực hòa giải giữa hai quốc gia của phía Trung Quốc. Tuyên bố viết: “Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân Trung Quốc và nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể lượng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ".

Mỹ - Trung ta Tuyên bố chung kết thúc chiến tranh thương mại

Chính phủ Mỹ cho biết sẽ cử một phái đoàn tới Trung Quốc để thương thảo chi tiết hơn về kế hoạch giảm thâm hụt thương mại này, qua việc tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và dầu mỏ. Trung Quốc, với dân số gần 1,4 tỷ người, là thị trường lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng chính của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ - lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại.

Hai nước cũng đã đồng ý mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác như sản xuất và sở hữu trí tuệ - một trong những bất đồng gay gắt nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bởi sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền. Vào tháng 3, ông Trump đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc “làm ngơ” trước nạn trộm cắp bản quyền và sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ tràn lan.

Tổng thống Trump hồi tháng 4 đã từng chia sẻ trên Tweet: "Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại bởi vì đó là điều đúng đắn. Việc áp dụng thuế quan sẽ được thực hiện bởi cả hai nước, và một thỏa thuận liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ sẽ được thiết lập. Một tương lai tuyệt vời cho cả hai quốc gia!"

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác