Mỹ-Trung căng thẳng 'cuộc chiến truyền thông' giữa ‘tâm bão’ Covid-19
Thanh Tú -
18/03/2020 12:18 (GMT+7)
(VNF) - Cáo buộc Mỹ có những hành động “đàn áp” báo chí Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã đưa ra hàng loạt động thái trả đũa nhằm vào các cơ quan báo chí Mỹ tại nước này.
Theo thông báo được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 18/3, Trung Quốc yêu cầu 5 cơ quan báo chí Mỹ tại nước này bao gồm: Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, Tờ New York Times, Nhật báo phố Wall, Tờ Washington Post và Tạp chí Times phải báo cáo cho cơ quan chức năng Trung Quốc những thông tin về nhân viên, tài chính, lĩnh vực kinh doanh và các bất động sản đang sở hữu…
Trung Quốc cũng yêu cầu 3 cơ quan báo chí Mỹ là Tờ New York Times, Nhật báo phố Wall, Tờ Washington Post trong thời gian 4 ngày phải nộp danh sách các phóng viên quốc tịch Mỹ sẽ hết hạn visa trong năm nay cho Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong thời gian 10 ngày phải nộp lại thẻ phóng viên, đồng thời các phóng viên này từ nay về sau sẽ không được tiến hành các tác nghiệp phóng viên tại Trung Quốc đại lục, đặc khu hành chính Hồng Kông và đặc khu hành chính Macau.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả tương tự việc Mỹ hạn chế nhà báo Trung Quốc liên quan đến các vấn đề như cấp thị thực đưa tin.
Một điểm nổi bật trong chính sách trả đũa lần này của Bắc Kinh là quyết định cấm các nhà báo Mỹ tác nghiệp ở Hong Kong và Macau, hai lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc với các quy tắc về truyền thông riêng. Trong quá khứ, các nhà báo nước ngoài bị đuổi khỏi Trung Quốc đại lục vẫn có thể làm việc tại Hong Kong.
Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng việc trả đũa của Trung Quốc sẽ khiến thế giới và người dân Trung Quốc mất đi những thông tin có giá trị trong giai đoạn nhạy cảm vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Ông Dean Baquet, thành viên ban biên tập New York Times, cho rằng việc Trung Quốc trục xuất phóng viên Mỹ là "đặc biệt vô trách nhiệm, vào thời điểm thế giới cần nguồn thông tin đáng tin cậy và tự do về đại dịch do virus Sars-CoV-2".
Trong bài đăng ngày 18/3 trên Twitter, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định “Mỹ kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc tập trung mọi nỗ lực chung tay cùng các nước khác ngăn chặn Covid-19, thay vì trục xuất nhà báo và lan truyền thông tin sai lệch".
Trước đó, ngày 2/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington sẽ thực hiện giới hạn nhân sự đối với 5 đơn vị báo chí, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ.
5 cơ quan này gồm Hãng thông tấn Tân Hoa xã, Kênh truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Tập đoàn báo chí China Daily Distribution Corp và Hai Tian Development USA.
Theo quy định mới, cơ quan đại diện của 5 hãng truyền thông trên sẽ phải công khai hoạt động quản lý nhân sự, công tác tuyển dụng cũng như sa thải nhân viên, và đăng ký tài sản mà họ thuê hoặc sở hữu tại Mỹ với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 13/3, tổng số phóng viên thường trú tại Mỹ của 5 cơ quan này không được quá 100 người, tức giảm 60 người so với hiện nay. Nói cách khác, Mỹ sẽ hủy visa báo chí của ít nhất 60 phóng viên/nhà báo Trung Quốc.
Động thái này của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nhằm trả đũa việc
Chính phủ Trung Quốc hôm 19/2 đã tuyên bố rút thẻ hành nghề của ba nhà báo Tạp chí Phố Wall (Mỹ). Đây là lần Trung Quốc trục xuất nhiều nhà báo nước ngoài nhất trong 3 thập niên qua.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.