Mỹ trừng phạt Trung Quốc để ‘dằn mặt’ những nước muốn mua tên lửa Nga
Minh Đăng -
21/09/2018 07:33 (GMT+7)
(VNF) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như sẵn sàng mạo hiểm quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong chiến dịch đối phó với Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/9 đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đã mua tiêm kích Su-35S và tên lửa phòng không S-400 của Nga. Giám đốc EDD Li Shangfu cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
EDD vốn là đơn vị then chốt của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành lập từ năm 2016.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bắc Kinh đã tiếp nhận 10 máy bay Su-35 hồi tháng 12/2017 và lô thiết bị có liên quan đến S-400 đầu tiên trong năm nay. Thông cáo chỉ rõ EDD đã đàm phán và thực hiện các giao dịch với công ty xuất khẩu vũ khí chính của Nga là Rosoboroexport.
Trung Quốc vốn là khách nước ngoài đầu tiên mua tổ hợp phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. Tổ hợp này đã được bàn giao đầy đủ cho Trung Quốc hồi cuối tháng 7 vừa qua, gồm trạm chỉ huy, đài radar, xe phóng, tên lửa, máy phát điện cùng nhiều thiết bị khác.
AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên một quốc gia bị trừng phạt vì giao dịch với Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).
Theo một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Mỹ, "mục tiêu của những lệnh cấm vận này thực chất là nhắm tới Nga".
Người này cũng tiết lộ thêm rằng Washington đang xem xét áp đặt các biện pháp tương tự nhằm vào những nước mua tiêm kích và tên lửa của Nga.
Tổ hợp phòng không tầm xa S-400 của Nga.
Cũng trong ngày 19/9, chính quyền Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với 33 quan chức Nga. Người phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ cho biết các quan chức này hoạt động vì lợi ích của các cơ quan tình báo và công nghiệp quốc phòng của Nga. Họ bị trừng phạt theo quy định của luật CAATSA.
Đạo luật CAATSA được Mỹ thông qua giữa năm 2017, cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như chống lại các quốc gia có hợp đồng mua vũ khí giá trị lớn với Moscow.
Mới đây, trong một cuộc họp báo ngày 23/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nếu mua hệ thống phòng thủ S-400 của Moscow.
Bên cạnh Trung Quốc, nước thứ hai mua 'rồng lửa' S-400 là Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019, sớm hơn 1 năm so với dự định trước đó.
Ấn Độ, đối tác quan trọng của Mỹ tại Nam Á, cũng đã thoả thuận với Nga về việc mua bán S-400, nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin đến New Delhi hồi tháng 10/2016 và quá trình đàm phán đã vào giai đoạn cuối.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman thì hợp đồng chuyển giao S-400 sẽ được New Delhi và Moscow ký kết vào tháng 10/2018, bất chấp lời đe doạ của Washington.
Trong khi đó, Qatar và Ả-Rập Saudi đang mâu thuẫn chỉ vì cả hai đều muốn sở hữu S-400, khiến cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các đồng minh của Mỹ tại vùng Vịnh vốn đang bế tắc càng trở nên bế tắc hơn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.