Mỹ vượt xa Trung Quốc thành điểm đến đầu tư trọng tâm của Nhật Bản

Bích Hợp - 08/04/2024 14:45 (GMT+7)

(VNF) - Từ nhà ở đến thực phẩm, các công ty Nhật Bản đang chuyển trọng tâm đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ nhằm khai thác mức độ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo hãng tin Nikkei Asia.

Theo đó, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật sẽ thảo luận về các khoản trợ cấp cho các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn có khả năng làm gia tăng mức độ đầu tư của Mỹ và Nhật Bản.

Các công ty Nhật Bản đang chuyển trọng tâm đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ ở nhiều lĩnh vực như xây dựng và sản xuất xe điện.

Theo thống kê, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Mỹ trong năm 2023 đạt 63,5 tỷ USD, duy trì ở mức cao so với năm trước.

Rộng hơn, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ đạt 696,5 tỷ USD vào năm 2022, cao gấp 5 lần so với Trung Quốc.

Các khoản đầu tư đáng chú ý gần đây của các công ty Nhật Bản tại Mỹ bao gồm thương vụ Sekisui House mua lại MDC Holdings và kế hoạch mở rộng của Daiwa House Industry ở miền Nam Mỹ. Hai công ty Nhật Bản khác là Nissin Foods Holdings và Yakult Honsha cũng đang tăng cường sự hiện diện của họ tại thị trường Mỹ.

Với chi tiêu tiêu dùng chiếm 70% GDP của Mỹ, các công ty Nhật Bản đang nhắm tới Mỹ để có cơ hội tăng trưởng.

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy sản xuất trong nước đã khuyến khích hơn nữa đầu tư của Nhật Bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xe điện và năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, các công ty trong các ngành then chốt này phải thiết lập chuỗi cung ứng địa phương để đủ điều kiện nhận các ưu đãi của Mỹ, điều này rất quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh.

Toyota Motor gần đây đã công bố khoản đầu tư bổ sung 8 tỷ USD vào hoạt động sản xuất pin ô tô của Mỹ, bên cạnh khoản đầu tư 5 tỷ USD đã được phân bổ trước đó.

Bất chấp những thách thức như lợi nhuận thấp hơn so với Trung Quốc, các công ty Nhật Bản coi Mỹ là điểm đến đầu tư ổn định và hấp dẫn hơn.

Ở động thái liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Nhật Bản và tập đoàn kiểm toán KPMG của Đức mới đây đã tiến hành khảo sát 164 công ty Đức về các định hướng kinh doanh. Kết quả cho thấy 38% công ty cho biết họ đang chuyển cơ sở sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Nhật Bản, 23% số công ty tham gia khảo sát thì tiết lộ họ đang có ý định tương tự. Trong đó sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội là những yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định của các công ty này.

Báo cáo này gần giống với kết quả của một nghiên cứu khác do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản công bố hồi giữa tháng 3, cho thấy Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài muốn tránh những bất ổn về địa chính trị, thương mại và tài chính.

Xem thêm >> Dự trữ vàng Trung Quốc tăng 17 tháng liên tiếp

Theo Nikkei
Cùng chuyên mục
Tin khác