Myanmar: Biểu tình rầm rộ thách thức quân đội, gần 500 người bị bắt

Thanh Tú - 18/02/2021 17:44 (GMT+7)

(VNF) - Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình trong ngày 17/2 bất chấp quân đội triển khai xe bọc thép ở nhiều khu vực. Gần 500 người đã bị bắt giữ, một số người bị thương.

VNF
Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình trong ngày 17/2.

Đây được coi là một trong những ngày biểu tình lớn nhất ở Myanmar sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành hôm 1/2.

Mặc dù chính quyền kêu gọi các công chức quay trở lại làm việc và đe dọa sẽ sẽ có các biện pháp thích hợp nếu họ không thực thi, nhưng các cuộc đình công vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Nhiều người đã lấy lí do xe gặp sự cố để đỗ ô tô ở các tuyến đường chủ chốt ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, nhằm chặn đường và ngăn lực lượng an ninh tiếp cận với người biểu tình.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, các tuyến đường sắt đã bị đình trệ sau khi các công nhân đường sắt đình công, dừng chạy các chuyến tàu. Lực lượng an ninh đã nổ súng gần nhà ga. Ít nhất một người bị thương được ghi nhận.

Đến nay, quân đội Myanmar đã bắt giữ gần 500 người tham gia các cuộc biểu tình trên nhiều địa phương.

Một số diễn viên, đạo diễn và ca sĩ nổi tiếng của Myanmar cũng đã bị bắt với cáo buộc sử dụng "sự nổi tiếng và tên tuổi" của mình để khuyến khích dân chúng tham gia biểu tình.

Hiện chưa rõ con số thương vong liên quan, song theo nguồn tin từ một thành viên thuộc liên đoàn sinh viên tại Mandalay, đã có một số người bị thương.

Quân đội Myanmar mới đây tuyên bố những người kích động quần chúng tham gia biểu tình phản đối chính quyền quân sự có thể đối mặt với án tù lên tới 20 năm.

Những người bị kết tội "kích động thù hận, hoặc coi thường" các nhà lãnh đạo quân đội cũng sẽ lĩnh án tù dài hạn và bị phạt tiền.

Trước đó, ngày 14/2, truyền thông Myanmar cho biết quân đội đã điều xe bọc thép vào các thành phố Yangon, Myitkyina và Sittwe. Lực lượng an ninh cũng  phải nổ súng để giải tán người biểu tình tại thành phố Mandalay trong ngày 15/2.

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính diễn ra liên tục khắp đất nước từ ngày 1/2, khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử.

Mặc dù người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước mới, Thiếu tướng Zaw Min Tun, mới đây lên tiếng quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng, song dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu sự phẫn nộ trong nhân dân.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk tính phát hành tiền điện tử MarsCoin của riêng mình

Theo Channel News Asia
Cùng chuyên mục
Tin khác