Né trừng phạt, Nga-Trung Quốc thúc đẩy sử dụng các hệ thống thanh toán của nhau

Minh Đăng - 06/05/2022 06:31 (GMT+7)

(VNF) - Việc thúc đẩy và sử dụng các hệ thống thanh toán quốc gia Mir ̣̣của Nga và China UnionPay của Trung Quốc sẽ giúp hai nước giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

VNF
UnionPay là một trong số ít các lựa chọn còn lại của Nga để thanh toán với nước ngoài vì các ngân hàng Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.

Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy ngày 5/5 cho biết các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Nga sắp tới sẽ tiến hành các cuộc tham vấn, đàm phán về việc sử dụng các hệ thống thanh toán quốc gia của nhau.

Theo ông Trương Hán Huy, việc thanh toán bằng đồng tiền quốc gia có lợi thế rõ ràng trong hoạt động thương mại song phương của Trung Quốc và Nga.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều ngân hàng Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, việc Moscow và Bắc Kinh sử dụng hệ thống thanh toán của nhau sẽ giúp các nước này tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây.

Đại sứ Trương Hán Huy cho hay Trung Quốc sẽ sử dụng một ngân hàng thanh toán bù trừ cho các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ trên lãnh thổ Nga để đảm bảo sự phát triển thương mại bền vững của hai nước.

Trước đó, một số ngân hàng Nga đã chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay sau khi thẻ Visa và Master thông báo dừng hoạt động ở nước này. Tài khoản nhân dân tệ Trung Quốc tại các ngân hàng Nga cũng tăng đột biến.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hiện đang sâu sắc chưa từng có trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước với phương Tây và Mỹ cùng leo thang. Không chỉ về quân sự, Nga và Trung Quốc còn ghi đậm dấu ấn về hợp tác ngoại giao và kinh tế.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quốc gia hàng đầu của Nga và là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga. Hai nước mới đây đã cam kết phát triển cấu trúc tài chính chung để tạo điều kiện cho hai quốc gia tăng cường quan hệ kinh tế mà không có sự can thiệp của nước thứ ba.

Theo Cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 38,5% trong hai tháng đầu năm 2022, lên tới 26,431 tỷ USD và hai bên đang hướng tới mốc 200 tỷ USD vào năm 2024.

Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định hoạt động kinh tế và thương mại giữa nước này và Nga sẽ tiếp tục diễn ra bình thường trong bối cảnh Nga hứng loạt đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Theo thống kê của Đại học Yale (Mỹ), hơn 80% công ty Trung Quốc ở Nga vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường.

Ở động thái liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/5 đề xuất loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và hai ngân hàng khác là Credit Bank of Moscow và Russian Agricultural Bank khỏi hệ thống nhắn tin và giao dịch quốc tế SWIFT.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết biện pháp trừng phạt này sẽ củng cố sự cô lập hoàn toàn lĩnh vực tài chính của Nga với hệ thống toàn cầu, gây khó khăn cho hoạt động giao dịch với các ngân hàng khác của Nga.

Xem thêm >> Giá Bitcoin đảo chiều tăng mạnh sau quyết định nâng lãi suất của Fed

Theo TASS, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác