'Nếu NATO triển khai tên lửa tại châu Âu, Nga sẽ đáp trả tương xứng'

Minh Đăng - 06/07/2019 10:50 (GMT+7)

(VNF) - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov ngày 5/7 tuyên bố nếu tên lửa tầm trung và tầm gần được triển khai ở các quốc gia châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Moscow sẽ triển khai những biện pháp đáp trả tương ứng.

VNF
Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov.

Cùng ngày, phát biểu sau cuộc họp Hội đồng NATO-Nga tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO và Nga đã không đạt được tiến triển quan trọng trong cuộc đàm phán nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Ông Stoltenberg cho biết cơ hội tìm ra một giải pháp "ngày càng ít" song NATO vẫn không từ bỏ nỗ lực thuyết phục Moskva phá hủy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8.

Đại diện thường trực của Nga tại NATO cho biết họ coi các cáo buộc của NATO là vô căn cứ khi khối này đổ lỗi cho Nga về sự sụp đổ của hiệp ước INF.

Nga nhấn mạnh về sự cần thiết của việc kiềm chế từ 2 phía. Moscow nhấn mạnh rằng kể cả khi Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga cũng không có kế hoạch triển khai “bất cứ vũ khí nào ở châu Âu và các khu vực khác nếu Mỹ không đặt tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại những nơi đó”.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng việc gia tăng căng thẳng trong tình hình quân sự và chính trị mang lại rủi ro thực sự ở châu Âu. Chúng tôi kêu gọi các nước NATO cũng đưa ra tuyên bố tương tự”, đại diện thường trực của Nga tại NATO cho hay.

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Mỹ đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2/2 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng.

Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước. Sau đó, ngày 3/7 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước này.

Việc INF đổ vỡ tiếp tục cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Các chuyên gia và giới chức phương Tây lo ngại nguy cơ an ninh do châu Âu nằm trong tầm ngắm tên lửa tầm trung của Nga.

Moscow khẳng định kiềm chế các ý định gây hấn của NATO, vừa thúc đẩy đàm phán với các nước thành viên của tổ chức này. Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng phải đảm bảo an ninh của mình.

Xem thêm >> Trung Quốc lại ra điều kiện ‘khó nhằn’ với Mỹ để đạt thỏa thuận thương mại

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác