Nga 'giáng đòn' trừng phạt Mỹ trước thềm World Cup 2018

Lê Anh - 05/06/2018 07:23 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/6 đã chính thức ký dự luật nhằm bảo vệ "lợi ích kinh tế và an ninh" của Nga, đáp trả hàng loat lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh trong thời gian gần đây. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa lễ khai mạc World Cup 2018 sẽ diễn ra tại vân động Luzhniki ở thủ đô Moscow của Nga.

VNF
Tổng thống Nga Putin ký luật cho phép cắt đứt hợp tác quốc tế, giới hạn xuất nhập khẩu nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.

Dự luật được soạn thảo bởi các nhà lập pháp hàng đầu của Hạ viện Nga, công bố vào ngày 13/4 và được Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga) thông qua hôm 22/5 và được Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) phê chuẩn hôm 30/5 vừa qua.

Theo luật mới, Chính phủ Nga được quyền áp đặt các biện pháp trả đũa một quốc gia khác dựa trên quyết định của Tổng thống Nga.

Chính phủ có thể cấm nhập bất cứ sản phẩm nào theo lệnh của tổng thống, nhưng danh sách hàng hoá bị cấm không được bao gồm những sản phẩm thiết yếu nếu không có sản phẩm tương tự sản xuất tại Nga. 

Ngoài ra, Tổng thống cũng được phép đưa ra những quyết định đối phó dựa vào sự tham mưu, tư vấn của Hội đồng An ninh. Các biện pháp đối phó sẽ hết hiệu lực khi Nga thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh kết thúc và họ không còn lý do để đối phó với các lệnh này nữa.

Theo đó, luật sẽ được áp dụng với bất cứ quốc gia hoặc người nào vì "các hành động thù địch" chống Nga. Nó cho phép chính quyền Nga cắt đứt hợp tác quốc tế với nước ngoài, hạn chế nhập và xuất khẩu, và các biện pháp trả đũa khác.

Nhiều nhà lập pháp ủng hộ dự luật này, cho rằng đó chính là lời cảnh báo đanh thép cho Mỹ và phương Tây khi liên tiếp giáng đòn trừng phạt lên Nga.

"Nếu muốn áp đặt những lệnh trừng phạt lên Nga và công dân của Nga, cần phải hiểu rằng Nga chắc chắn sẽ có những hành động đáp trả”, AP dẫn ý kiến của một nhà lập pháp Nga.

Kinh tế Nga đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong vài năm qua, như các lệnh trừng phạt quốc tế sau việc Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga, và vai trò của Moscow trong cuộc nổi dậy ủng hộ Nga ở phía đông Ukraine. Những sự kiện này đã đẩy Nga rơi vào trạng thái bị cô lập từ năm 2014.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 4, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với 7 doanh nhân Nga, 17 quan chức cao cấp và 14 tập đoàn, cáo buộc họ ''có những hành động thâm độc trên toàn cầu''.

Trong danh sách trừng phạt lần này có 7 nhân vật được xem là khá gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng 12 công ty mà những người sở hữu hoặc kiểm soát cũng nằm trong danh sách chịu các biện pháp trừng phạt, cùng một loạt nhân vật chính trị có ảnh hưởng tại nước này như Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom Alexei Miller, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov hay Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrouchev.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Mỹ triển khai những biện pháp này là nhằm đáp trả các hành vi mà nước này cho là “tiêu cực” của Nga trên toàn thế giới, bao gồm việc sáp nhập Crimea, cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các vụ tấn công mạng và hơn hết là các vụ tấn công tiếp diễn nhằm gây nguy hại cho các nền dân chủ phương Tây.

Phản ứng trước lệnh trừng phạt này, Chính phủ Nga đã ngay lập tức chỉ trích đây là một quyết định vô căn cứ, thiếu thiện chí và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả thích đáng.

Xem thêm >> Bí mật cúp vàng World Cup 2018: Chế tác năm 1974 từ 6kg vàng

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.