Nga sắp mất hoàn toàn thị trường dầu mỏ châu Âu

Quỳnh Anh - 11/10/2022 16:52 (GMT+7)

(VNF) - Kể từ thời điểm chiến sự Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2, Nga đã mất hơn 60% doanh thu từ việc bán dầu thô qua đường biển cho Liên minh châu Âu (EU), và dự kiến sẽ mất hoàn toàn thị trường này trong vòng 2 tháng tới sau khi EU tăng cường các biện pháp trừng phạt.

VNF
Nga đã mất hơn 60% doanh thu từ việc bán dầu thô qua đường biển cho châu Âu kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2.

Theo số liệu do Bloomberg theo dõi, kể từ thời điểm cuối tháng 2 tới nay, Nga đã mất 3/5 doanh số bán dầu thô đường biển cho thị trường châu Âu.

Cụ thể, tính tới ngày 7/10, các chuyến hàng dầu thô theo đường biển từ Nga tới châu Âu đạt trung bình 630.000 thùng/ngày, giảm 61% so với mức 1,62 triệu thùng/ngày trước chiến sự.

Với đà giảm dần theo thời gian, nhiều chuyên gia dự báo Moscow sẽ sớm đánh mất khách hàng châu Âu trong vòng 8 tuần tới, đặc biệt sau khi EU thông qua gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào việc xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Vòng trừng phạt mới nhất của EU, được thông qua để đáp trả việc Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập các vùng của Ukraine, bao gồm lệnh cấm vận chuyển dầu thô của Nga đến bất kỳ nơi nào trên thế giới trên các tàu chở dầu của EU.

Không chỉ vậy, EU cũng thống nhất thông qua việc áp giá trần với mặt hàng dầu mỏ của Nga. Theo đó, từ ngày 5/12, người mua dầu thô của Nga có thể sử dụng tàu châu Âu, bảo hiểm và các dịch vụ khác, nhưng chỉ khi giá họ phải trả dưới một ngưỡng nhất định.

Với các hạn chế hiện tại, các tàu chở dầu của Nga buộc phải mất thời gian gấp 4 lần thời gian bình thường để vận chuyển hàng hóa đến Ấn Độ, hoặc gấp 10 lần thời gian vận chuyển hàng hóa đến Gdansk ở Ba Lan.

Điện Kremlin trước đó cho biết sẽ không bán dầu cho bất kỳ ai áp đặt giới hạn giá, đồng thời cảnh báo rằng việc giới hạn dầu có thể khiến nước này cắt giảm sản lượng và các khách hàng lớn của họ sẽ không tán thành kế hoạch này.

Tuy nhiên, sự tồn tại của cơ chế mới cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những hợp đồng dầu mỏ mới của Nga với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng chảy sang 3 quốc gia này đã đủ để lấp đầy khoảng trống sau khi người mua châu Âu bắt đầu xa lánh xuất khẩu của Moscow, đạt đỉnh vào tháng 6 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày.

Trong một diễn biến liên quan, Bloomberg mới đây cũng đưa tin một số công ty Nga đang bắt đầu thăm dò thị trường Hong Kong, làm dấy lên lo ngại giữa các quan chức Mỹ rằng trung tâm tài chính châu Á sẽ trở thành “thiên đường” cho các doanh nghiệp bị trừng phạt của Moscow.

Sherman Yan, một đối tác công ty luật ONC Hong Kong, cho biết một số công ty lớn, bao gồm cả các công ty quốc doanh của Nga đang tìm cách hợp tác với các công ty luật xứ Hương Cảng để tìm đường tiến vào một “khu vực pháp lý thân thiện hơn” so với những nơi như New York hay London.

Ít nhất 2 công ty luật khác trên lãnh thổ Trung Quốc cũng đã được các công ty Nga tiếp cận, một số đã hỏi về việc huy động vốn tại thành phố này, theo nguồn tin từ Bloomberg.

Hong Kong có thể tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn bên ngoài cho các công ty Nga vì chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Moscow và không áp đặt các biện pháp trừng phạt khi chiến sự leo thang.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại về việc Hong Kong được các doanh nghiệp Nga coi như nơi tránh các lệnh trừng phạt.  

“Hong Kong nổi danh là một trung tâm tài chính tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế. Việc sử dụng Hong Kong như một nơi trú ẩn an toàn của các cá nhân trốn tránh các lệnh trừng phạt từ nhiều khu vực pháp lý càng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Xem thêm >> Lịch trình đến Đà Nẵng, du thuyền 500 triệu USD của tỷ phú Nga bất ngờ cập bến Hong Kong

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.