Nga: Tên lửa bắn rơi MH17 thuộc lực lượng vũ trang Ukraine

Minh Đăng - 18/09/2018 07:40 (GMT+7)

(VNF) - Nga đã tìm ra bằng chứng khẳng định tên lửa Buk được cho là đã bắn rơi máy bay MH17 từng được chuyển cho Ukraine vào thời Liên Xô và nó không được đưa trở lại Nga.

VNF
Bộ Quốc phòng Nga thông báo những chi tiết mới liên quan đến cuộc điều tra máy bay chở khách MH17.

Chiều 17/9, Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo những chi tiết mới liên quan đến cuộc điều tra máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine năm 2014.

Theo hãng tin RT, tại cuộc họp báo, Chỉ huy lực lượng tên lửa của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Nikolai Parshin đã công bố tài liệu cho biết, số seri trên mảnh vỡ tên lửa Buk bị cho là đã bắn rơi máy bay MH17 cho thấy nó được sản xuất tại một nhà máy quân sự ở Dolgoprudny, Moscow, Nga vào năm 1986.

"Số seri trên tên lửa là 886847379. Đây là số hiệu của hệ thống tên lửa Buk vào ngày 29/12/1986 được gửi bằng đường sắt đến đơn vị quân đội 20152", RT dẫn lời ông Nikolai Parshin.

Những thông tin về tên lửa Buk được đưa ra trong buổi họp báo.

Ông cho biết đơn vị quân đội này nằm ở Ukraine, khi đó còn thuộc Liên Xô và nói thêm rằng đây là thông tin tuyệt mật.

"Sau khi Liên Xô tan rã, tên lửa không được đưa về Nga mà được đưa vào lực lượng vũ trang Ukraine", ông nói.

“Đơn vị này hiện có tên gọi là trung đoàn phòng không 223 thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine. Trung đoàn này đã tham gia vào chiến dịch ngăn chặn lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine hồi tháng 6/2014”, ông Nikolai cho biết thêm.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, đây là bằng chứng nhằm bác bỏ cáo buộc của các bên cho rằng, tên lửa bắn rơi MH17 được phóng đi từ một bệ phóng do Nga bí mật chuyển đến cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine. Tất cả những tài liệu này Nga cũng đã gửi cho các nhà điều tra của Hà Lan.

Tướng Nikolay Parshin phát biểu tại buổi họp báo.

Ngoài ra, quân đội Nga cũng khẳng định, đoạn video của nhóm điều tra có tên Bellingcat cáo buộc Nga đưa bệ phóng tên lửa Buk tới đông Ukraine là giả mạo.

Chuyến bay MH17 rời sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia lúc 12h31 ngày 17/7/2014. Chiếc Boeing 777 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khi cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 50 km. MH17 bị tên lửa bắn ở khu vực Donetsk do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát. Tất cả 298 người, trong đó hơn một nửa là người Hà Lan, thiệt mạng.

Hồi cuối tháng 5, Đội điều tra hỗn hợp (JIT) bao gồm đại diện Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine đưa kết luận tên lửa Buk-Telar bắn rơi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đến từ lữ đoàn 53 lực lượng phòng không đóng tại Koursk, Nga và đây là một đơn vị thuộc quân đội Nga.

Một đoạn video do chính quyền Kiev công bố cho thấy một quả tên lửa Buk được vận chuyển qua biên giới Nga cùng ngày xảy ra sự việc. Toàn bộ xe của đoàn xe chở tên lửa nói trên cũng thuộc quân đội Nga.

Dựa trên kết quả điều tra, Hà Lan và Úc cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về việc triển khai hệ thống tên lửa Buk dùng để bắn hạ máy bay MH17.

Phản ứng trước kết luận này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng Nga chỉ công nhận những kết luận về vụ tai nạn nếu Nga được tham gia đầy đủ vào quá trình điều tra.

Nga bác bỏ những cáo buộc của Đội điều tra hỗn hợp (JIT).

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này không liên quan đến sự việc và sẽ cung cấp bằng chứng cho thấy chính hệ thống phòng không của Ukraine mới là “tác giả”.

Ở một động thái liên quan khác, mới đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 17/9 đã ký lệnh nhằm hủy bỏ hiệp ước hữu nghị với Nga.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga được ký vào tháng 5/1997 và có hiệu lực vào tháng 4/1999 trong thời hạn 10 năm. Văn kiện này bao gồm điều khoản về tự động gia hạn thêm 10 năm nữa nếu các bên không phản đối.

Hiệp ước nói trên quy định nguyên tắc hợp tác chiến lược và các tuyên bố bất khả xâm phạm những đường biên giới hiện có, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nghĩa vụ tương ứng của hai bên trong việc kiềm chế sử dụng các vùng lãnh thổ của mình để gây tổn hại cho an ninh của đối phương.

Tháng 10/2018 sẽ là hạn chót, theo đó các bên cần tuyên bố ý định của mình, hoặc kéo dài hiệp ước thêm 10 năm, hoặc chấm dứt hiệu lực.

Bộ Ngoại giao Ukraine có trách nhiệm thông báo tới chính phủ Nga việc Kiev muốn hủy hiệp ước. Hạn chót để gửi thông báo chưa được công bố chi tiết. Ngoài ra, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine và Bộ ngoại giao có sẽ phải thông báo việc này lên Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và các tổ chức nước ngoài khác về quyết định muốn chấm dứt hiệp ước với Nga.

Xem thêm >> NATO bất ngờ ‘bênh vực’ Nga, nói muốn ‘cải thiện quan hệ’

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác