Tài chính quốc tế

Ngân hàng đầu tiên ở Thụy Sỹ được phép lắp đặt ATM để rút bitcoin

(VNF) - Cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sỹ đã cho phép một ngân hàng tư nhân ở nước này quản lý tài sản bitcoin. Động thái này sẽ mở đường cho các ngân hàng toàn cầu cung cấp sản phẩm tiền tệ kỹ thuật số.

Ngân hàng đầu tiên ở Thụy Sỹ được phép lắp đặt ATM để rút bitcoin

Máy ATM bitcoin ở tiền sảnh trụ sở Ngân hàng Falcon Private Bank tại Thụy Sỹ. Ảnh CNBC

Ngân hàng tư nhân của Thụy Sỹ là Falcon Private Bank đã thông báo rằng Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã bật đèn xanh cho ngân hàng này được quản lý các tài sản ảo dựa trên công nghệ blockchain (chuỗi khối) vốn là nền tảng của bitcoin và các loại tiền tệ kỹ thuật số khác.

Arthur Vayloyan, người đứng đầu về các sản phẩm và dịch vụ toàn cầu của Falcon, nói với CNBC rằng: "Người dân ở đây đang nghĩ rằng chuyện này không chỉ là về bitcoin. Đây là một chương mới về cách chúng ta giao dịch tiền bạc. Với tư cách là một nhà cung cấp các dịch vụ tài chính, chúng tôi muốn là một phần của chiến lược này".

Ông Vayloyan cho biết Falcon đã bắt đầu thảo luận chính thức về việc quản lý tài sản bitcoin trong tháng 1/2017, nộp đơn xin cấp phép kinh doanh dịch vụ này ngày 23/6 và nhận được thông báo chấp thuận vào ngày thứ Ba vừa rồi.

Falcon hiện quản lý khối tài sản trị giá 14,6 tỷ franc Thụy Sỹ (tương đương 15,13 tỷ USD),  có văn phòng tại Zurich, Abu Dhabi, Dubai và London. Falcon sẽ thông qua công ty môi giới số Bitcoin Suisse (Thụy Sỹ) để tiếp cận bitcoin.

Giám đốc điều hành của Bitcoin Suisse, Niklas Nikolajsen, nói với CNBC rằng phía FINMA quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng hơn là lo lắng về nguy cơ bitcoin được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp.

Ông Nikolajsen nói: "Tôi cho rằng các ngân hàng khác trên thế giới sẽ sớm gia nhập xu hướng này. Các tài sản mật mã đã phát triển bùng nổ và mang lại một giá trị mà bạn không thể bỏ qua".

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) từ chối bình luận về vấn đề này. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) cũng từ chối bình luận.

Thụy Sỹ được biết đến như là quốc gia tiên phong về các tiêu chuẩn ngân hàng. Đất nước này cũng là một trong những nơi thân thiện nhất với tiền ảo. Vùng Zug (ở gần Zurich) đã được đặt tên là "Thung lũng tiền ảo" (Crypto Valley) vì tại đây có nhiều doanh nghiệp tiền ảo đang hoạt động.

Ngân hàng Falcon đã lắp đặt một máy ATM bitcoin tại sảnh trụ sở chính của hãng ở Zurich, cho phép khách hàng rút bitcoin vào điện thoại. Là một ngân hàng tư nhân, Falcon chỉ cung cấp dịch vụ cho các khách hàng có từ 2 triệu franc Thụy Sỹ trở lên, nhưng Vayloyan cho biết công ty có thể xem xét phục vụ các khách hàng có tài sản chỉ vài nghìn franc.

Theo Bloomberg, các ngân hàng trung ương khắp châu Âu và châu Á đang tìm hiểu về loại tiền kỹ thuật số. Theo hãng tin này, hồi tháng 3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay đang nghiên cứu khả năng sẽ áp dụng bitcoin.

Đầu tháng 4 năm nay, Nhật Bản đã chính thức hợp pháp hóa bitcoin khiến đồng tiền ảo này liên tục tăng giá.

Blockchain có thể coi là "cuốn sổ cái" lưu lại các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng và bất kỳ dữ liệu gì liên quan đến bitcoin. Các dữ liệu được lưu lại trên blockchain theo từng khối riêng và chúng được gắn kết nhau thành chuỗi phức tạp. Hơn thế nữa dữ liệu này được phân tán trên hàng nghìn máy tính trên khắp thế giới và phải có sự đồng bộ của nhiều máy tính mới mã hóa được dữ liệu. Vì vậy muốn đánh sập hệ thống công nghệ blockchain là điều khó có thể xảy ra.

Hiện nay công nghệ blockchain được đánh giá là hình thức lưu trữ minh bạch tuyệt đối, mọi cá nhân tham gia đều có quyền truy cập phiên bản đầy đủ. Dữ liệu được cập nhật sẽ không thể bị thay đổi hoặc xáo trộn mà chỉ có thể bổ sung và quá trình cập nhật phải diễn ra đồng thời trên tất cả máy tính trong mạng lưới.

Blockchain ra mắt đầu tiên vào tháng 10/2008 – đây cũng là thời điểm ra đời tiền điện tử  bitcoin. Không chỉ riêng bitcoin các công ty mới về đồng tiền điện tử như Ethereum và  đại gia công nghệ Microsoft đang hướng đến phát triển dịch vụ blockchain riêng.

Các ngân hàng đã nhận thấy sự thích hợp của công nghệ Blockchain đối với hoạt động của họ. Việc kết nối các máy tính rất phức tạp và đắt đỏ và một phần do công nghệ đó đang trở nên lỗi thời nên các ngân hàng hướng đến việc ứng dụng công nghệ blockchain trong lưu trữ cũng như giao dịch. Công nghệ này giúp họ giảm được nhiều quy trình thủ công, tốc độ giao dịch nhanh.

Tin mới lên