Ngân hàng được mùa bán vốn, 'túi tiền' cổ đông được dịp 'phình to'

Minh Tâm - 04/11/2019 12:45 (GMT+7)

(VNF) - "Túi tiền" của các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần phát hành riêng lẻ của Vietcombank cũng như BIDV đều "phình to" hơn đáng kể so với số tiền bỏ ra ban đầu.

VNF
Ngân hàng được mùa bán vốn, 'túi tiền' cổ đông được dịp 'phình to'

Chốt phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại một lần nữa phá đỉnh khi tăng tới 3,9%, lên mức 92.000 đồng/cổ phiếu.

Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này đã tăng tới 72% về thị giá.

Hồi đầu năm nay, Vietcombank đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 111 triệu cổ phiếu cho GIC - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và cổ đông hiện hữu là Mizuho Bank với giá bình quân khoảng 55.800 đồng/cổ phiếu và kể từ đó, cổ phiếu VCB bắt đầu đà tăng "phi mã".

Tính ra, so với thị giá hiện tại, các cổ đông nước ngoài trên đã tạm lãi khoảng trên 60% chỉ sau khoảng 10 tháng đầu tư vào Vietcombank. Hay dễ hình dung hơn, rót 6.200 tỷ đồng vào Vietcombank, GIC và Mizuho Bank đang tạm lãi tới 4.000 tỷ đồng.

Có phần tương tự với trường hợp của Vietcombank là trường hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 31/10 vừa qua, BIDV công bố đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank. Mức giá phát hành là 33.640 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh sau chia cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 14% cho hai năm 2017 và 2018, mức giá phát hành thực chất là khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu (do KEB Hana Bank thống nhất không nhận cổ tức hai năm trên).

Chốt phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu BID của BIDV đã tăng 2,9% lên mức 42.200 đồng/cổ phiếu.

Nếu so với mức thị giá này, KEB Hana Bank đang tạm lãi khoảng 20%. Nói cách khác, lượng tài sản mà KEB Hana Bank bỏ ra 20.200 tỷ đồng để mua, nay đang có giá gần 25.400 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng đang trong tiến trình bán vốn là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Theo một bản báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Agriseco, MB đang kỳ vọng sẽ thu về khoảng 250 triệu USD từ đợt phát hành sắp tới, tương đương giá "3x" cho mỗi cổ phiếu. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hồi tháng 4/2019, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái cũng cho biết ngân hàng này kỳ vọng bán cổ phiếu cho nước ngoài với giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí đến 40.000 đồng/cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng thương vụ bán vốn này sẽ trở thành động lực tăng giá cho cổ phiếu MBB vốn nổi tiếng với "sức ì" lớn.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MBB đã tăng khoảng 30% về thị giá. Tuy nhiên, nếu không tính "cú rơi" bất ngờ đầu tháng 1, đa phần các nhà đầu tư đang lãi khoảng dưới 20% tính cả cổ tức.

Cùng chuyên mục
Tin khác