Ngân hàng liên tục cam kết giảm lãi cho vay, hộ kinh doanh vẫn kêu 'đói' vốn

Minh Anh - 13/08/2023 13:22 (GMT+7)

(VNF) - Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay hoặc tung ra các gói vay ưu đãi, có ngân hàng giảm lãi vay xuống dưới 7%/năm. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh vẫn loay hoay trong 'cơn đói' vốn. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF

Lãi suất cho vay ưu đãi xuống mức 7%

Gần đây, hàng loạt ngân hàng cũng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay hoặc tung ra các gói vay ưu đãi quy mô lớn. Có ngân hàng đã giảm lãi vay xuống dưới 7%/năm.

Không chỉ giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng còn phân nhóm khách hàng để thiết kế “may đo” những sản phẩm chuyên biệt, phù hợp nhất cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt.

Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

>> Xem thêm: Lãi suất ưu đãi xuống mức 7%: Những đối tượng được vay tiền giá rẻ

Hộ kinh doanh vẫn loay hoay trong 'cơn đói' vốn

Nhiều hộ kinh doanh phản ánh, lãi suất vay vốn có thế chấp tại các ngân hàng thương mại hiện khoảng 10-11%. Trong bối cảnh khó khăn đơn hàng, cầu tiêu dùng giảm, du lịch không thực sự phục hồi như kỳ vọng, mức lãi suất trên là quá khả năng của doanh nghiệp lẫn hộ kinh doanh.

Để có đủ vốn làm ăn, đa số các hộ kinh doanh phải vay vốn của các thành viên trong gia đình, người thân, thậm chí tín dụng đen… Trong khi đó, các phương án và mô hình kinh doanh của hộ kinh doanh không được xem xét và cũng không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng.

Để gỡ khó cho hộ kinh doanh, nhiều kiến nghị cho rằng cần có những gói hỗ trợ riêng và thực hiện hết sức tập trung cho đối tượng này.

>> Xem thêm: Hộ kinh doanh loay hoay trong 'cơn đói' vốn

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng rơi về 7%

Từ đầu tháng 8 đến nay, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục giảm. Có ngân hàng đã giảm lãi suất 2 lần. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm xuống 7,05%/năm.

Theo dự báo, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục giảm, có thể xuống dưới mức 6%/năm trong nửa cuối năm nay.

Do đó, khó tránh được việc dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.

>> Xem thêm: Xuất hiện đáy mới, lãi suất kỳ hạn 6 tháng rơi về 7%

Nhà đầu tư ngoại sở hữu 14% vốn Saigonbank

Hơn hai tuần qua, cổ phiếu SGB của Saigonbank là một trong những mã cổ phiếu ngân hàng gây chú ý khi ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch 8/8, hơn 58 triệu cổ phiếu SGB đã được các nhà đầu tư giao dịch, giá trị hơn 1.400 tỷ đồng và chiếm gần 19% vốn cổ phần ngân hàng.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 44 triệu cổ phiếu SGB trên sàn UPCoM, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, thông qua giao dịch thỏa thuận. Số cổ phiếu mà khối ngoại mua vào trong phiên 8/8 chiếm 14,3% vốn Saigonbank. Trong phiên hôm nay, khối ngoại đã nâng sở hữu tại ngân hàng này lên 14,8%.

>> Xem thêm: Chi hơn 1.000 tỷ liên tục gom cổ phiếu, nhà đầu tư ngoại sở hữu 14% vốn Saigonbank

TS Lê Xuân Nghĩa: 'Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam'

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lạm phát toàn cầu, chỉ số USD đang có xu hướng đi xuống, còn dự báo về tăng trưởng kinh tế thì các định chế tài chính lớn có nhiều quan điểm khác nhau và mỗi nước có chính sách điều hành khác nhau. Ở Việt Nam, lãi suất tiền gửi đã giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao.

“Một người bạn của tôi vay của một ngân hàng khá tên tuổi để đầu tư vào điện mặt trời với lãi suất 17%/năm và tới đây ngân hàng có hứa sẽ giảm xuống 15%. Đầu tư dài hạn mà lãi suất như vậy thì… quá cao”, ông Nghĩa nói và cho biết lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% là rất cao.

“Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”, vị chuyên gia từng là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh

>> Xem thêmTS Lê Xuân Nghĩa: 'Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam'

Top ngân hàng có nhân viên giỏi kiếm tiền, được trả lương cao

Theo báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm của 29 nhà băng, mỗi nhân viên ngân hàng trong nửa đầu 2023 trung bình mang về 59,3 triệu đồng/tháng, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Có nhiều ngân hàng ghi nhận nhân viên mang về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng mạnh tay chi cho nhân viên hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Chi phí bình quân của nhân viên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là 28,4 triệu đồng/tháng, tăng trưởng khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí này gồm cả chi lương, phụ cấp, chi khác cho nhân viên.

>> Xem thêm: Top ngân hàng có nhân viên giỏi kiếm tiền, được trả lương cao

Nhận diện tín dụng, nợ xấu, NIM… nhóm ngân hàng niêm yết

Nhóm phân tích công ty chứng khoán VN-Driect vừa “mổ xẻ” đưa ra những phân tích chi tiết về bức tranh nhóm ngân hàng niêm yết từ đầu năm tới nay.

Trong đó, đáng lưu ý đó là những ngân hàng cho vay bất động sản nhiều có sự chững tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng buộc phải giảm mạnh NIM chênh lệch lãi suất đầu vào - ra và nợ xấu chỉ ít ngân hàng có độ bao phủ tốt.

Tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,1% tại cuối quý 2/2023 từ mức 1,9% tại cuối quý 1/20/23. Theo đó, tỷ lệ LLR cũng suy giảm từ 106% cuối Quý 1/2023 xuống 98% cuối Quý 2/2023. Ngoài ra, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo TT02/2023 đạt 62,5 nghìn tỷ tại cuối tháng 6/2023 tương đương với 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống.

>> Xem thêm: Nhận diện tín dụng, nợ xấu, NIM… nhóm ngân hàng niêm yết

Hé lộ room tín dụng của nhiều ngân hàng được nới thêm

Chứng khoán VnDirect mới đây tiết lộ room tín dụng mới được giao của nhiều ngân hàng. Đáng chú ý, có 2 ngân hàng được giao room tín dụng tới 24% là MB và VPBank.

Ngoài ra, báo cáo của VnDirect cũng hé lộ room tín dụng của một số ngân hàng khác như ACB (khoảng 14,5%), TCB (khoảng 14%), TPBank (khoảng 14%), VIB (hơn 14%), Vietcombank (khoảng 14%), BIDV (khoảng 14%), VietinBank (khoảng 14%), HDBank (khoảng 13,5%), STB (khoảng 11%),...

>> Xem thêm: Hé lộ room tín dụng của nhiều ngân hàng được nới thêm

Chính thức được rút tiền liên ngân hàng trên ATM bằng mã QR

Từ 7/8, chủ thẻ Napas sử dụng ứng dụng Moblie Banking của 8 ngân hàng có thể rút tiền liên ngân hàng trên ATM của các ngân hàng khác qua quét mã VietQR mà không cần mang theo thẻ vật lý.  Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đã phối hợp các ngân hàng thành viên hoàn thiện phát triển dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (VietQRCash).

Trước đó, tiêu chuẩn VietQR do Napas triển khai lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 6/2021. Đến nay, cùng với thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày càng tăng lên, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19 ở nước ta, phương thức chuyển tiền hoặc thanh toán bằng quét mã QR đang được nhiều khách hàng ưa chuộng và quen thuộc sử dụng trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày bởi sự nhanh chóng và thuận tiện

>> Xem thêm: Chính thức được rút tiền liên ngân hàng trên ATM bằng mã QR

Nợ xấu tăng cao, ngân hàng trong vòng xoáy rủi ro mới

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2023. Những con số trên bức tranh kinh doanh quý II cho thấy áp lực nợ xấu đang thực sự hiện hữu tại nhiều ngân hàng.

Kết thúc quý II/2023, hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm 2022. Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trên 50%, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm trước.

Có tới 27/29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II có nợ xấu tăng và hơn 90% trong số đó ghi nhận số dư nợ xấu tăng trưởng hai chữ số; 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 29 ngân hàng tính đến hết quý II ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước.

>> Xem thêm: Lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng cao: Ngân hàng trong vòng xoáy rủi ro mới

Cùng chuyên mục
Tin khác