Ngân hàng

Hộ kinh doanh loay hoay trong 'cơn đói' vốn

(VNF) - Để có đủ vốn làm ăn, đa số các hộ kinh doanh phải vay vốn của các thành viên trong gia đình, người thân, thậm chí tín dụng đen… Trong khi đó, các phương án và mô hình kinh doanh của hộ kinh doanh không được xem xét và cũng không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng.

Hộ kinh doanh loay hoay trong 'cơn đói' vốn

Gói vay “bia kèm lạc” đánh đố hộ kinh doanh

Việc tiếp cận vốn của các hộ kinh doanh là vấn đề đã được nói tới rất nhiều trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Nhiều hộ kinh doanh phản ánh, lãi suất vay vốn có thể chấp tại các ngân hàng thương mại hiện khoảng 10% - 11%. Trong bối cảnh khó khăn đơn hàng, cầu tiêu dùng giảm, du lịch không thực sự phục hồi như kỳ vọng, mức lãi suất trên là quá khả năng của doanh nghiệp lẫn hộ kinh doanh.

Ông Lê Văn Long, trú tại thôn Vĩ Dạ, Thừa Thiên-Huế, cho hay hộ kinh doanh của ông đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. “Các gói tín dụng lãi suất 8% - 9% mà một số ngân hàng thương mại công bố có nói dành cho cả hộ kinh doanh nhưng thực sự các hộ không thể với tới được. Nguyên nhân là quy mô hoạt động không lớn nên hộ kinh doanh như chúng tôi không đủ chứng minh sổ sách đầu ra, đầu vào cũng như đáp ứng điều kiện của ngân hàng”, ông Long nói.

Cùng cảnh ngộ với ông Long, bà Lâm Anh, chủ thương hiệu Mè xửng Huế, cho biết hộ kinh doanh của bà đang cần một lượng vốn khoảng vài trăm triệu đồng để thay đổi công nghệ đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, việc vay vốn này cũng rất khó khăn. “Chúng tôi không thể tiếp cận được các gói vay bởi các tiêu chuẩn vay tương đối khó khăn. Các chương trình cho vay tín chấp từ các hội ngành nghề, đặc biệt thông qua Hội Phụ nữ, khá hiệu quả, nhưng các chương trình này phải qua thủ tục xin phép và phê chuẩn của các cấp chính quyền mà trong giai đoạn hiện nay nhiều cấp chính quyền không dám phê chuẩn nữa. Thực tế, thời gian vừa qua, để có thể vay được số vốn 50 - 100 triệu đồng trở lên, các hộ kinh doanh vẫn phải đáp ứng ‘bia kèm lạc’ (mua bảo hiểm, mua thêm sản phẩm phụ) thì mới được phê duyệt dự án cho vay”, bà Lâm Anh nói.

Ghi nhận thực tế, các gói tín dụng “bia kèm lạc” khiến hộ kinh doanh rất khó xử, bởi nếu không vay thì không có vốn mà vay thì phải “đèo bòng” rồi phải chấp nhận lãng phí gói bảo hiểm.

Trong khi đó, việc tiếp cận các gói cho vay tín dụng vi mô cũng không dễ dàng vì phải đáp ứng nhiều điều kiện như: phải là hộ có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, hoặc thuộc diện chính sách xã hội và qua 1-2 lần xét duyệt của các cấp chính quyền địa phương liên quan, trong khi hạn mức cho vay cũng chỉ 20 - 30 triệu đồng/hộ/2 năm, đó là mức quá ít.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện nay có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với hơn 9 triệu lao động, chiếm tới 16,5% tổng số lao động của cả nước, đóng góp gần 30% GDP. Đây cũng là một trong những đối tượng hưởng lợi từ nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của hộ kinh doanh vẫn đang là vấn đề khi triển khai chương trình hỗ trợ, bởi hộ kinh doanh chưa có quy định cụ thể để được hỗ trợ như doanh nghiệp, hợp tác xã hay người lao động bị ảnh hưởng.

Trong Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm về “hộ kinh doanh” không được nêu rõ, tuy nhiên theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, “hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là hộ kinh doanh do chính một cá nhân, một hộ gia đình hoặc một nhóm người làm chủ, hoạt động của hộ kinh doanh chủ yếu về lĩnh vực thương mại.

Cần gói tín dụng riêng dành cho hộ kinh doanh

Để gỡ khó cho hộ kinh doanh, nhiều kiến nghị cho rằng cần có những gói hỗ trợ riêng và thực hiện hết sức tập trung cho đối tượng này. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết hộ kinh doanh tiếp cận tín dụng dưới 2 dạng. Một là dạng tín chấp, phải thông qua tổ chức chính trị - xã hội, phải được xác nhận của chính quyền cơ sở. Giá trị cho vay của dạng này khá thấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh và không kéo dài quá 2 năm. Hai là dạng vay thương mại của các ngân hàng thương mại. Với dạng này, hộ kinh doanh thường phải dùng tài sản của cả gia đình để đảm bảo, lãi suất cũng tương đối cao, lại còn kèm điều kiện phải mua bảo hiểm hoặc các gói ‘lạc kèm bia’ khác, nên hộ kinh doanh cũng không mặn mà.

Vì vậy, ông Việt đề xuất nên thiết kế một gói hỗ trợ tín dụng dành riêng cho hộ kinh doanh với lãi suất cho vay thấp, phù hợp để phát triển sản xuất - kinh doanh. “Hạn mức cho vay của gói hỗ trợ này có thể từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thời hạn dài hơn các gói cho vay tín chấp, được dùng chính dự án kinh doanh làm đảm bảo và quan trọng nhất được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước 2%.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, gói hỗ trợ phải hướng vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, những hộ kinh doanh để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn. Đây sẽ là cơ hội cho những cơ sở kinh doanh nhỏ có thể hoạt động trở lại. Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần phải tính đến phương thức quản lý mới, đó là chính thức hóa hoạt động các hộ kinh doanh, từ đó đưa ra dữ liệu theo dõi, thống kê, quản lý, giúp các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này rõ ràng và hiệu quả hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, để giải quyết các vấn đề này, cần có các chính sách triệt để, quy định rõ ràng và các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Theo đó, trước hết, cần mở rộng quy mô, đối tượng nhận hỗ trợ tiếp cận tín dụng.

Thứ hai, hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu tài sản đảm bảo của hộ kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc giảm chi phí và rủi ro trên những khoản vay của hộ gia đình như: giảm thuế trên doanh lợitừ các khoản vay không yêu cầu tài sản đảm bảo; yêu cầu chinhánh ngân hàng nhà nước ở địa phương cùng các cơ quan quản lý thương mại, cơ quan thuế địa phương phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình với các ngân hàng thương mại, để ngân hàng có được các thông tin xác thực, từ đó phê duyệt các khoản vay một cách dễ dàng hơn mà không cần thông qua tài sản thế chấp; có các chính sách khuyến khích tiếp nhận các loại hình tài sản hình thành trong tương lai hoặc tài sản vô hình như: sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế….
 

Tin mới lên