Tiêu điểm

'Ông lớn' Singapore sở hữu loạt dự án 'khủng', dẫn đầu dòng vốn 71 tỷ USD vào Việt Nam

(VNF) - Sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Singapore trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam với hàng tỷ USD vốn rót vào các dự án thuộc mọi lĩnh vực. Nhiều "ông lớn" của Singapore đầu tư lớn để tìm kiếm sự thịnh vượng tại mảnh đất hình chữ S.

'Ông lớn' Singapore sở hữu loạt dự án 'khủng', dẫn đầu dòng vốn 71 tỷ USD vào Việt Nam

Năm 2023, Singapore và Việt Nam đánh dấu 50 năm quan hệ song phương và một thập kỷ quan hệ đối tác chiến lược.

Gần 71 tỷ FDI từ Singapore đổ vào Việt Nam

Là một trong những quốc gia sáng lập ASEAN, Singapore luôn phát huy vai trò trung tâm của mình trong tổ chức và duy trì mối quan hệ bền chặt với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Từ những năm 1990, Singapore đã dẫn đầu trong 4 nước ASEAN tiên phong trong việc tìm hiểu thị trường đầu tư Việt Nam.

Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính tới ngày 20/7), có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỷ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

TP. HCM là địa phương có nhiều dự án đầu tư Singapore nhất cả nước với hơn 1.700 dự án có tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 14 tỷ USD.

Không chỉ vậy, ngày 7/7 vừa qua, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam và Singapore đã ký kết 12 biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực như tính bền vững, số hóa, dịch vụ tài chính và phát triển nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Tan See Leng, trong sự kiện ngày 7/7, cho biết tính đến tháng 12/2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 70,8 tỷ USD.

Năm 2022, thương mại song phương giữa hai nước đạt 31,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm trước, theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp.

Việt Nam và Singapore đã ký kết 5 thỏa thuận và nhiều Biên bản ghi nhớ, củng cố hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, kinh tế kỹ thuật số, an ninh mạng, năng lượng sạch, phát triển bền vững và quyền sở hữu trí tuệ. Cả hai quốc gia tích cực tham gia vào nhiều hiệp định tự do hóa thương mại và hiệp định đa phương, thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế.

Các dự án đầu tư của Singapore trải dài trên 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam có 140 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Singapore, với tổng vốn đăng ký trên 586 triệu USD. 

"Điểm dừng chân lý tưởng" của các công ty, quỹ Singapore

Theo chia sẻ của ông Kok Ping Soon, Tổng Giám đốc Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), các công ty Singapore vẫn quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam do bị thu hút bởi thị trường nội địa của tầng lớp trung lưu đang phát triển và cơ sở sản xuất mạnh mẽ để hỗ trợ xuất khẩu. 

Theo Khảo sát kinh doanh quốc gia 2022-23 của SBF, Việt Nam được xếp hạng là một trong 3 quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng ra nước ngoài trong thời gian ngắn. Các lĩnh vực quan tâm chính của các công ty Singapore bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Bên cạnh hợp tác trong các lĩnh vực đã thiết lập như thương mại và đầu tư, vẫn còn nhiều cơ hội để Singapore và Việt Nam hợp tác trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, tài chính xanh, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng bền vững.

Sắp tới, các lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng giữa hai nước với nhiều phạm vi hợp tác chặt chẽ hơn là kinh tế số và phát triển bền vững. Nền kinh tế kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu của cả hai quốc gia và bao gồm nhiều lĩnh vực mới như an ninh mạng, luồng dữ liệu xuyên biên giới, thành phố thông minh, đổi mới, trí tuệ nhân tạo và thanh toán kỹ thuật số. 

Về phát triển bền vững, Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon và cơ sở hạ tầng bền vững, góp phần thực hiện các cam kết về mức không phát thải ròng vào năm 2050.

Top công ty Singapore tại Việt Nam

Norbreeze Việt Nam:

Trụ sở Norbreeze Singapore được thành lập từ năm 2004 và điều hành bởi bộ đôi người Đan Mạch Anne Trads Juel Sauerberg và Anders Peter Juel Sauerberg. Công ty ra đời với mục tiêu phân phối, xây dựng và mở rộng các thương hiệu lifestyle quốc tế với triết lý vượt thời gian.

Tập đoàn Norbreeze Việt Nam ra đời năm 2016 và đang đóng vai trò là nhà phân phối độc quyềm hãng Trang sức Pandora tại khu vực Đông Dương.

Ở Việt Nam, Norbreeze sở hữu 13 cửa hành tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hợp tác với nhiều đối tác chiến lược như PNJ (Việt Nam), Campuchia, Cocomi (Singapore), Myanmar.

Nova F&B:

Nova F&B của tập đoàn NOVA Group là doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình hoạt động và nhận quyền thương hiệu của nhà hàng Jumbo Seafood Việt Nam.

Tập trung chính mảng quản lý, kinh doanh và vận hành các thương hiệu quốc tế, Nova F&B là công ty thuộc lĩnh vực dịch nhà hàng và quầy uống (Food and Beverage). Nova F&B muốn mang đến những trải nghiệm nghệ thuật và ẩm thực đa dạng văn hoá cho du khách trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp sở hữu các hệ thống chuỗi cà phê, nhà hàng phục vụ cả triệu lượt khách hàng năm.

CapitaLand

CapitaLand Group là một tập đoàn bất động sản lớn của châu Á với trụ sở chính đặt tại Singpapore. Tập đoàn có chi nhánh tại Việt Nam cũng như 39 quốc gia và hơn 260 thành phố rải khắp thế giới.

CKD Việt Nam, đã hoạt động trên 28 năm, hiện tại giám sát và phát triển các hoạt động kinh doanh phát triển và đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam. Nước ta là một trong những thị trường chính của doanh nghiệp.

Bên cạnh đóm danh mục đầu tư của CLD ở Việt Nam có 2 dự án phức hợp, trên 13 nghìn căn hộ tại 17 dự án nhà ở và một khu bán lẻ tại TP. HCM và Hà Nội.

"Dấu ấn" Singapore tại Việt Nam

Chuỗi Khu công nghiệp VSIP:

Công ty TNHH Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã đầu tư mạnh vào việc phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam từ năm 1996. Những dự án này rải khắp đất nước. Tính tới tháng 3/2023, Công ty TNHH Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore đã xây dựng 12 khu công nghiệp trọng điểm tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An, Bình Định. Dự án Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore này đã thu hút hơn 32 tỷ USD vốn đầu tư, với hơn 600 công ty cung cấp việc làm cho hơn 300.000 lao động.

Các cổ đông chính của Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore là Becamex IDC sở hữu 49% cổ phần, tiếp theo là Sembcorp Development Ltd với 40,44%, Ascendas Investment Pte Ltd với 4,26%, UOL Overseas Investments Pte Ltd với 2,67%, MC Development Asia Pte Ltd với 1,89% và KMP Vietnam Investment Pte Ltd với 1,74%.

Dự kiến, vào cuối tháng 8 này, một KCN VSIP mới tại Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư 160 triệu USD (khoảng 3.718 tỷ đồng) sẽ được khởi công. Đây là dự án đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long với quy mô khu công nghiệp lớn nhất (trừ Long An). 

Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam):

Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đầu tư trên địa bàn huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. 

Dự án Nam Hội An được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 12/2010 và thay đổi lần ba vào cuối năm 2020. Ban đầu, đơn vị đầu tư dự án này là liên doanh VinaCapital - Genting. Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, Genting đã xin rút khỏi liên doanh.

Nhà đầu tư của Nam Hội An sau đó là Công ty Đầu tư Nam Hội An (Hoi An South Investments Pte), đăng ký tại Singapore. Đơn vị thực hiện là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An.

Dự án này, theo chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 9/2020, dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 81.200 tỷ đồng (4 tỷ USD), xây dựng khu kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, sân golf, vui chơi giải trí cao cấp. Dự án được chia thành 7 giai đoạn thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2029.

Tuy nhiên, sau nhiều lùm xùm về các chủ đầu tư và dòng tiền của dự án, mới đây, Bloomberg đưa tin gia tộc Cheng ở Hong Kong đã tiếp nhận quyền kiểm soát dự án này từ chủ sở hữu trước đó. LET Group Holdings, từng là một phần của đế chế kinh doanh Suncity Group của ông trùm Alvin Chau, đã ngừng tham gia quản lý khu nghỉ dưỡng Hoiana. Thay vào đó, công ty đầu tư của gia tộc Cheng, Chow Tai Fook Enterprises, hiện nắm quyền kiểm soát hoạt động của khu nghỉ dưỡng này.

Dự án nhà máy LNG Bạc Liêu:

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu được UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 1/2020, được xem là dự án năng lượng có nguồn vốn FDI "khủng" nhất miền Tây.

Dự án có công suất 3.200MW, do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Theo thông tin được công bố tại buổi trao quyết định chủ trương đầu tư, đến cuối tháng 12/2020, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án, và 36 tháng tiếp theo sẽ triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và xây dựng trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200MW trước tháng 12/2027.

Dự án nhà máy LNG Long An I và II

Dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I và Long An II đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có tổng mức đầu tư khoảng 3,13 tỷ USD do Công ty VINACAPITAL GS ENERGY PTE. LTD (Singapore) và GS Energy (Hàn Quốc) làm nhà đầu tư.

Dự án điện khí từ khí hoá lỏng này, trước đó từng được đăng ký ban đầu là dự án nhiệt điện than, là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam và mang lại một giải pháp hứa hẹn cho tình trạng thiếu điện của khu vực, đồng thời xử lý được các mối lo ngại về tác động đối với môi trường. Dự án này có khả năng đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.

Trước đó, vào tháng 8/2018, UBND tỉnh Long An đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét ưu tiên tiếp nhận đầu tư trung tâm điện lực tỉnh Long An sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG). Trên cơ sở này, tỉnh đã cho phép VinaCapital nghiên cứu và lập báo cáo chuyển đổi "Nhà máy nhiệt điện Long An I và Long An II" sử dụng nhiên liệu than sang nhiên liệu khí.

Dự kiến, Long An I sẽ vận hành vào tháng 12/2025, Long An II vào tháng 12/2026. Tổng mức đầu tư nhà máy Long An I, II và hệ thống kho chứa LNG vào khoảng 3,13 tỷ USD (bao gồm VAT). Trong đó, vốn lưu động ban đầu khoảng 25,6 triệu USD. Nhà đầu tư dự kiến doanh thu hàng năm khoảng từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng.
 
Đến tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 1080/TTg-CN về việc chuyển đổi nhiên liệu và điều chỉnh quy mô công suất các dự án nhà máy nhiệt điện Long An I và Long An II, đồng ý điều chỉnh các nhà máy điện Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII từ sử dụng than sang sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu; điều chỉnh quy mô công suất nhà máy điện Long An I từ 1.200 MW thành 1.500 MW và nhà máy điện Long An II từ 1.600 MW thành 1.500 MW; điều chỉnh tiến độ vận hành nhà máy điện khí LNG Long An I năm 2025 - 2026, tiến độ vận hành nhà máy điện khí LNG Long An II dự kiến giai đoạn trước năm 2035.

Bệnh viện FV

Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Thomson Medical Group Limited (TMG) của Singapore mới đây đã mua lại bệnh viện FV tại TP. HCM với giá 381,4 triệu USD, trở thành thương vụ giao dịch chăm sóc sức khỏe lớn nhất ở Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Được biết, TMG mua lại 100% cổ phần của Công ty TNHH Y Tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV), là đơn vị đang điều hành một loạt các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện Đa khoa hạng hai FV và mạng lưới các phòng khám chuyên khoa. Công ty niêm yết tại Singapore sẽ trả trước khoảng 359,6 triệu USD và trả thêm 21,8 triệu USD khi bệnh viện FV đáp ứng được một vài tiêu chí hiệu suất trong kết quả hoạt động.

Thomson Medical được thành lập từ năm 1979, là công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em ở Singapore với vốn hóa thị trường ở mức 1,2 tỷ USD.

Bệnh viện FV được thành lập bởi ông Jean-Marcel Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp tại TP. HCM vào hai thập kỷ trước. Nằm tại quận 7, TP. HCM, FV Hospital cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao cho bệnh nhân tại Việt Nam cũng như từ Lào, Campuchia và Myanmar. Từ năm 2013, FV Hospital có thêm một phòng khám ngoại trú tại trung tâm quận 1, TP. HCM.

Trong giai đoạn 2019 – 2022, doanh thu của FV Hospital tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 8,3% (tính theo đồng SGD), EBITDA tăng 14% và lợi nhuận sau thuế tăng 14,9%.

Theo kế hoạch, năm 2023, bệnh viện FV sẽ đưa vào hoạt động thêm một phòng khám đa khoa và trung tâm chẩn đoán ở trung tâm TP HCM. Năm 2025 sẽ khánh thành thêm một tòa nhà 7 tầng ở quận 7, TP. HCM, nhằm mở rộng nơi điều trị ung thư, tiêu hóa, cung cấp thêm dịch vụ, kỹ thuật mới như thụ tinh trong ống nghiệm, chạy thận nhân tạo, cấy ghép tủy... 

Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Sau khi nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả cao. Trải qua nửa thế kỷ, quan hệ Việt Nam và Singapore càng trở nên gắn bó, với độ tin cậy cao và hợp tác giữa hai nước thu được nhiều kết quả tích cực.

Xem thêm >> Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) muốn đổ thêm vốn vào Việt Nam

Tin mới lên