Tài chính quốc tế

Lo bị bỏ lại phía sau, Singapore tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu

(VNF) - Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Ravi Menon cho biết đảo quốc Sư tử muốn trở thành một trung tâm tài sản kỹ thuật số toàn cầu, thay vì chỉ là nơi để giao dịch và đầu cơ tiền điện tử.

Lo bị bỏ lại phía sau, Singapore tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu

Không chỉ là nơi để đầu cơ, Singapore tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu.

"Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận tốt nhất không phải giới hạn hay cấm đoán những công nghệ này", ông Ravi Menon, giám đốc Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), phát biểu trước báo giới. Hiện tại, MAS đang chịu trách nhiệm quản lý ngân hàng và các công ty tài chính ở Singapore. 

Theo đó, MAS đã đưa ra nhiều "quy định chặt chẽ" nhằm đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng đúng yêu cầu và giải quyết nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong giao dịch tiền điện tử.

"Chúng tôi muốn trở thành trung tâm tiền điện tử, nơi thử nghiệm lập trình đồng tiền, áp dụng tiền điện tử cho các trường hợp sử dụng hoặc mã hoá tài sản để tăng hiệu quả và giảm rùi ro trong các giao dịch tài chính", ông Menon phát biểu mở đầu Lễ hội Fintech Singapore 2022.

Cách tiếp cận trên đã giúp Singapore thu hút nhiều hãng tiền điện tử, như Binance Holdings và Gemini đến đặt trụ sở tại đây.

Theo giới chuyên gia, Singapore có nhiều cơ hội khi tham gia thị trường tiền điện tử, vì quốc đảo này vốn được biết đến là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu.

"Nếu không bước vào, tôi lo rằng Singapore có thể bị bỏ lại phía sau. Sớm tham gia thị trường này giúp chúng ta chiếm ưu thế, đồng thời hiểu rõ hơn các tiềm năng và nguy cơ của nó”, ông Menon nói. 

Hiện nay, tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Singapore, DBS Bank đang thử nghiệm chương trình tiền điện tử trực tiếp đầu tiên của Singapore đối với chứng từ của chính phủ, cho phép người bán lập trình và tự thực hiện việc phân phối và sử dụng.

Các thử nghiệm này bao gồm Dự án Ubin, đã thành công sử dụng blockchain để giải quyết các khoản thanh toán, và Dự án Guardian, chương trình thí điểm đầu tiên trong ngành liên quan đến Ngân hàng DBS, JPMorgan và SBI Holdings, thực hiện các giao dịch ngoại hối mã hóa và trái phiếu chính phủ. 

"Các dự án này cố gắng nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị sản phẩm, giảm chi phí phát hành dịch vụ, đồng thời cải thiện tính minh bạch và khả năng tiếp cận. Chúng tôi tin rằng Dự án Guardian có thể giúp mở đường cho sự phát triển tiếp theo của thị trường tài chính ở Singapore", ông Menon nói.

Tuy nhiên, giám đốc MAS cũng cho biết Singapore đang thận trọng đề phòng mọi rủi ro, chẳng hạn như các dòng tiền bất hợp pháp.

"Chúng tôi không cần tất cả doanh nghiệp đều đặt trụ sở tại đây. Một nửa là đủ, nhưng phải đạt tiêu chuẩn rất cao. Như vậy chất lượng sẽ tốt hơn", ông Menon khẳng định. 

Trong khoảng 170 công ty thuộc lĩnh vực này đã đăng ký cấp phép với MAS, chỉ có 3 doanh nghiệp nhận được giấy phép và có 2 công ty đã bị từ chối. Bên cạnh đó, đã có khoảng 30 công ty rút đơn đăng ký sau khi làm việc cùng cơ quan quản lý.

Trước đó, đảo quốc Sư tử từng nhiều lần cảnh báo rằng giao dịch tiền điện tử “rủi ro cao và không phù hợp với công chúng” do tính chất đầu cơ và biến động của nó. Chính quyền thành phố thậm chí đã cấm quảng cáo tiền điện tử ở các khu vực công cộng và trên phương tiện truyền thông xã hội vào tháng 1/2021, đồng thời đề xuất những biện pháp mới để bảo vệ các nhà đầu tư bán lẻ sau sự "sụp đổ" 60 tỷ USD của Terra’s Luna.

Xem thêm >> Vốn hoá Amazon thủng mốc 1.000 tỷ USD

Tin mới lên