Nga bỏ thỏa thuận ngũ cốc, an ninh lương thực thế giới bị đe dọa

Hoàng Nam - 31/10/2022 14:51 (GMT+7)

(VNF) - Các thương nhân đang chuẩn tinh thần cho khả năng giá ngũ cốc tăng đột biến sau khi Nga quyết định rời bỏ thoả thuận cho phép nông sản của Ukraine được vận chuyển qua khu vực biển Đen sang những thị trường xuất khẩu có nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng này. 

VNF
Nga bỏ thỏa thuận ngũ cốc, an ninh lương thực thế giới bị đe dọa.

Động thái quyết liệt từ phía Nga khiến nhiều lãnh đạo các nước phải chạy đua để giải cứu thoả thuận do Liên hợp quốc (UN) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm ngăn các nhóm cộng đồng chịu rủi ro thiếu lương thực.

Được biết, thoả thuận đạt được vào tháng 7/2022 đã giúp làm ổn định thị trường lúa mì tương lai sau khi giá sản phẩm này tăng vọt lên mức cao kỷ lục hồi tháng 3/2022, lên tới 13,64 USD/giạ, do mối quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, sự thất bại thương mại mới nhất này có nguy cơ làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát vốn đã tồi tệ và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Cuối tuần vừa qua, UN và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đàm phán để có thể cứu được thoả thuận ngũ cốc, dù phía Nga tuyên bố bất kỳ diễn biến nào tiếp theo đều chỉ được quyết định sau khi có cuộc điều tra đầy đủ về cuộc tấn công vào chiến hạm trên biển của Nga.

Cả UN và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Ukraine đã thống nhất về hướng đi mới cho các tàu chở ngũ cốc của Ukraine, điều này nhiều khả năng sẽ làm giảm đáng kể tác động của việc Nga rút khỏi thỏa thuận này.

Ông Josep Borrell, quan chức đối ngoại cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng quyết định của phía Nga đã "đặt tuyến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chủ chốt vào thế rủi ro, đúng vào lúc tuyến xuất khẩu này là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu".

Phép thử của thị trường sẽ diễn ra ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này. Theo các chuyên gia, việc giá tăng đến đâu vẫn còn khá khó dự báo bởi thỏa thuận đảm bảo an ninh lương thực hiện tại dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 11/2022 nếu không có thỏa thuận mới nào được thông qua.

Giá lúa mì, ngô và đậu tương tăng mạnh trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 31/10 trên sàn Chicago Board of Trade (CBOT) ở Mỹ. Theo Reuters, giá lúa mì có lúc tăng gần 6%, lên mức 8,93 USD/giạ, giá ngô tăng 2,2%.

Mặc dù vậy, nhiều khả năng giá ngũ cốc sẽ không tăng quá mạnh như hồi tháng 3/2022, một phần bởi thị trường cũng đã dự báo trước được về khả năng Ukraine sẽ không có được sản lượng tiềm năng như tính toán trước đây trong năm nay.

Ông David Laborde, đại diện viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế tại Washington, nhận xét: "Nhiều nhà sản xuất khác cũng đã có những điều chỉnh. Tuy nhiên giá ngũ cốc nhiều khả năng sẽ tăng từ 5 % đến 10% trong những ngày sắp tới khi mà các thị trường đón nhận tin xấu".

Cùng với việc giảm xuất khẩu, việc chấm dứt thoả thuận đi qua con đường biển Đen cũng đồng nghĩa với nguy cơ loại bỏ con đường xuất khẩu phân bón chính được nông dân dựa vào để tăng gia sản xuất.

Một viễn cảnh tồi tệ khác là nông dân Ukraine từ chối trồng trọt khi họ không thấy hy vọng có thể bán được sản phẩm của mình, ông Michael Magdovitz, nhà phân tích cấp cao của Rabobank ở London nhận định.

Xem thêm >> 2035: EU là nơi duy nhất trên thế giới sử dụng hoàn toàn xe điện

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác