Ngân hàng Quân đội và những con số tài chính 'biết nói'

Thanh Long - 20/10/2018 23:34 (GMT+7)

(VNF) - Các chỉ báo về kết quả kinh doanh, cấu phần cho vay cũng như cấu phần tiền gửi của MB đều gây ấn tượng mạnh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn chút "gợn" khi các khoản phải thu tăng rất nhanh trong 9 tháng qua.

VNF
Lợi nhuận 9 tháng của Ngân hàng Quân đội đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với nhiều con số rất đáng chú ý. Tăng trưởng lợi nhuận lên đến 50% là con số gây ấn tượng đầu tiên.

Theo báo cáo, 9 tháng qua, MB ghi nhận 6.014 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, mức tăng trưởng ấn tượng này không xuất phát từ việc giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng như một số ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao khác, mà xuất phát từ sự khởi sắc trong tất cả các mảng kinh doanh.

Cụ thể, 9 tháng, mảng tín dụng - đầu tư (mảng cốt lõi của các ngân hàng) đem về cho MB tới 10.429 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mảng dịch vụ đem về 1.688 tỷ đồng lãi thuần, tăng 63%; mảng ngoại hối đem về 301 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp 2,2 lần; mảng mua bán chứng khoán và góp vốn, đầu tư dài hạn đem về 281 tỷ đồng lãi thuần, tăng 70%.

Nhìn kỹ hơn vào kết quả kinh doanh của mảng tín dụng, có thể thấy một con số cũng rất ấn tượng khác: 42,6%. Đây là tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi của MB trong 9 tháng đầu năm 2018. Con số này thấp hơn đáng kể tỷ lệ đầu năm là 44,5%, cho thấy biên lợi nhuận mảng tín dụng của MB ngày càng cao.

Thêm nữa, tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi của MB hiện thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng, phản ánh sức cạnh tranh cao của MB trong mảng tín dụng.

Sức cạnh tranh cao này gắn liền với 2 con số đáng chú ý khác: 33% và 36%.

33% là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng của MB tính đến hết ngày 30/9/2018. Con số này tăng tới 3 điểm% so với hồi đầu năm và là một trong những con số cao nhất hệ thống ngân hàng. Đây là một thành quả đáng kinh ngạc bởi với dư nợ tín dụng rất lớn, lên đến trên 232.638 tỷ đồng (tăng 5,6% so với đầu năm) thì việc tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là việc rất khó.

Sở hữu lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất cực thấp (chỉ khoảng 0,3%/năm) là nguyên nhân quan trọng giúp MB giữ được biên lợi nhuận cao trong mảng tín dụng.

Với con số 36%, đây là tỷ lệ dư nợ cho vay cá nhân trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của MB tính đến hết ngày 30/9/2018. Con số này cải thiện 3,39 điểm% so với đầu năm. Các khoản cho vay cá nhân có đặc điểm là lãi suất cao hơn cho vay tổ chức. Sự cải thiện về dư nợ cho vay cá nhân cũng là nguyên nhân quan trọng giúp MB giữ được biên lợi nhuận cao trong mảng tín dụng.

Nhìn chung, các con số tài chính 9 tháng đầu năm 2018 của MB đều rất ấn tượng theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn chút "gợn" khi kết thúc ngày 30/9/2018, các khoản phải thu của MB tăng mạnh lên 13.553 tỷ đồng, từ mức 8.973 tỷ đồng đầu năm, tương ứng tăng 51%. MB không thuyết minh rõ về diễn biến tăng đáng chú ý này, tuy nhiên, việc các khoản phải thu tăng mạnh thường không phải là diễn biến tích cực.

Cùng chuyên mục
Tin khác