Ngân hàng số: Khác biệt lớn nhất nằm ở cơ sở dữ liệu khách hàng

Kình Dương - 01/11/2018 18:02 (GMT+7)

(VNF) - Cơ sở dữ liệu khách hàng đa dạng hơn hẳn các đối thủ (ngân hàng truyền thống, ví điện tử đơn thuần, fintech...) cho phép ngân hàng số hiểu rõ khách hàng, từ đó cá nhân hóa các sản phẩm, từ việc chi tiêu, tiết kiệm đến vay thế chấp, vay tín chấp, vay tiêu dùng..., sao cho thích hợp nhất với từng khách hàng.

VNF
Ngân hàng số: Khác biệt lớn nhất nằm ở cơ sở dữ liệu khách hàng

Như đã đề cập ở bài viết trước, ngân hàng số không chỉ là số hóa ngân hàng, mà còn cần được hiểu là một mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có.

Bên cạnh hệ sinh thái gắn với ngân hàng số, cùng với các nghiệp vụ phổ thông như thanh toán, tiết kiệm, cho vay thì cơ sở dữ liệu khách hàng "khổng lồ" cũng là một điểm cực kỳ khác biệt của ngân hàng số.

Vượt lên trên các ngân hàng truyền thống, ví điện tử đơn thuần và fintech, dữ liệu của ngân hàng số không chỉ bao gồm các thông tin nhân khẩu học, dữ liệu các giao dịch thanh toán, lịch sử tiết kiệm, vay tiền..., mà còn có cả thói quen, sở thích sử dụng các ứng dụng trong hệ sinh thái của ngân hàng số, thậm chí gồm cả các tương tác trực tiếp của khách hàng với các nhà cung cấp qua ngân hàng số (chẳng hạn như lượt thích, bình luận...).

Cơ sở dữ liệu dồi dào và đa dạng của ngân hàng số, cộng với hệ thống phân tích thông minh sẽ cho phép nhân viên ngân hàng hiểu rõ hơn khách hàng của mình. Amit Sethi, Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) của Axis Bank - ngân hàng tư nhân lớn thứ 3 Ấn Độ - từng chia sẻ trên CIO & LEADER rằng khi ngân hàng này cho các nhân viên được quyền truy cập vào thông tin giao dịch và hành vi chi tiết của khách hàng, năng suất bán hàng của các nhân viên đã tăng gấp 5 lần.

Ở tầm cao hơn nữa, một số ngân hàng số trên thế giới đã tận dụng dữ liệu trên để lập bản đồ nhận thức của khách hàng, từ đó thiết kế các sản phẩm thích hợp riêng biệt cho từng khách hàng một cách tự động, từ việc chi tiêu, tiết kiệm đến vay thế chấp, vay tín chấp, vay tiêu dùng...

Chẳng hạn, dựa trên phân tích hoạt động chi tiêu của khách hàng, cùng với dữ liệu bảng lương, ngân hàng số có thể tự động chuyển số tiền thích hợp từ tài khoản thông thường sang tài khoản tiết kiệm, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng được tất cả các hoạt động chi tiêu. Mục tiêu là tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, và cả ngân hàng.

Cách tiếp cận mới này rõ ràng ưu việt hơn hẳn so với cách tiếp cận truyền thống. 

Tại Việt Nam, trong số ít ỏi ngân hàng số, ngân hàng số YOLO của VPBank đã bước đầu tiếp cận bằng cách này với sản phẩm tiết kiệm YOLO super, được giới thiệu là giúp người dùng "tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi và quản lý chi tiêu thông minh". 

Mặc dù mức độ tự động hóa chưa cao do tệp khách hàng và dữ liệu chưa hoàn chỉnh, chưa đa dạng bởi YOLO mới chỉ ra mắt được hơn một tháng, nhưng phần nào sản phẩm này cũng cho thấy tính linh hoạt hơn hẳn cách tiếp cận truyền thống. Chẳng hạn, nếu đã gửi tiết kiệm 10 triệu đồng và đang cần 6 triệu đồng để chi tiêu, thay vì phải tất toán tài khoản tiết kiệm như thông thường, người dùng có thể chuyển 6 triệu đồng sang tài khoản thanh toán để chi tiêu và 4 triệu đồng còn lại vẫn nằm trong tài khoản tiết kiệm.

Ông Shameek Bhargava, Giám đốc điều hành dự án ngân hàng số YOLO của VPBank không giấu diếm tầm nhìn xa hơn: "Các ngân hàng truyền thống sẽ chú trọng đến tiền gửi tiết kiệm, YOLO chú trọng đến các giao dịch và cơ sở dữ liệu khách hàng, đây là một mô hình kinh doanh mới, khác biệt và đang là xu hướng trên thế giới". 

Mặc dù có nhiều ưu việt nhưng việc tiếp cận với ngân hàng số vẫn gặp rào cản, chủ yếu ở lo ngại bảo mật. Hệ sinh thái ngân hàng số càng mở rộng, trên càng nhiều thiết bị, sử dụng càng nhiều tiện ích, dịch vụ thì các mối đe dọa sẽ càng "phình to" và khó kiểm soát hơn. Dù vậy, phần nhiều đây chỉ là lo ngại vì trước nay, các dịch vụ ngân hàng nói riêng cũng như dịch vụ thanh toán nói chung vẫn được giao dịch qua Internet và hầu như không xảy ra vấn đề bảo mật từ phía ngân hàng, cũng dễ hiểu vì đây là vấn đề sống còn, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin khách hàng.

Hiện nay, hoạt động thanh toán ở Việt Nam nói chung và ngân hàng số nói riêng chưa thể áp dụng các phương thức định danh khách hàng điện tử (e-KYC) như nhận diện vân tay, nhận diện khuôn mặt, nhận diện mống mắt... một cách toàn diện do cơ quan quản lý chưa cho phép. Thêm nữa, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Việt Nam rất hạn chế, cũng là một rào cản trong áp dụng e-KYC một cách đại trà.

Đây là một thiệt thòi với người dùng trong nước, bởi e-KYC vừa tiện lợi, khả năng bảo mật lại cao hơn các phương pháp truyền thống, kể cả các phương pháp thường dùng hiện nay là xác thực OTP hoặc token. 

Cùng chuyên mục
Tin khác