(VNF) - Định nghĩa ngân hàng số là số hóa ngân hàng là không đủ. Ngân hàng số cần được hiểu là một mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có.
Từ Uber trong ngành taxi, Netflix trong ngành phim đến Airbnb trong ngành bất động sản, Spotify trong ngành âm nhạc..., công nghệ đang tạo ra sự biến đổi toàn diện, thay thế và phá vỡ các mô hình kinh doanh cũ. Ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Tại Việt Nam, trong khi nhiều ngân hàng loay hoay với cuộc đổ bộ mạnh mẽ của fintech thì một số ngân hàng đã tạo dựng được đối trọng thực sự với fintech, thậm chí dung hòa được fintech: ngân hàng số.
Ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nói cách khác, tất cả những gì người dùng có thể làm ở các chi nhánh ngân hàng bình thường, đã được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất.
Tuy nhiên, định nghĩa ngân hàng số là số hóa ngân hàng là không đủ. Ngân hàng số cần được hiểu là một mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có.
Vì sao các ngân hàng tạo dựng ngân hàng số? Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng cải thiện mối quan hệ với khách hàng và thu hút khách hàng mới là 2 mục tiêu chính yếu; cùng với đó, các ngân hàng cũng xem nó nhưng một phương tiện để tạo lợi thế cạnh tranh và tiết kiệm chi phí.
Không nằm ngoài những mục tiêu trên, chia sẻ với VietnamFinance, Giám đốc điều hành dự án ngân hàng số YOLO của VPBank, ông Shameek Bhargava cho hay ý tưởng hình thành nên YOLO bắt nguồn từ mong muốn tạo ra một nền tảng số có khả năng tiếp cận và phục vụ cho hàng triệu khách hàng mới một cách nhanh chóng.
Như đã đề cập, ngân hàng số không chỉ là số hóa ngân hàng. Công nghệ bên trong ngân hàng số, như với trường hợp của YOLO, cho phép kết nối với một hệ sinh thái đa dạng và rộng lớn các dịch vụ và sản phẩm được cung cấp bởi đơn vị khác, từ đặt taxi, nghe nhạc đến đặt vé xem phim, đặt đồ ăn, thức uống... Ngân hàng số kết hợp được với fintech cũng bởi công nghệ bên trong ngân hàng số cho phép thực hiện điều đó một cách dễ dàng, trơn tru.
Hệ sinh thái của ngân hàng số khác với các hệ sinh thái tích hợp khác ở việc nó được hiển thị trong không gian thanh toán. Mục tiêu lớn nhất của hệ sinh thái là người tiêu dùng có thể trải nghiệm, tham gia và thanh toán "mọi thứ" trên nền tảng ngân hàng số. Không quá khi nói rằng, ngân hàng số đã tái tạo khái niệm về ngân hàng phổ thông.
Rất khó để lấy một ví dụ về hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam ngoài trường hợp của YOLO, phần vì tính tiên phong của ứng dụng này, phần khác vì mỗi ngân hàng có một chiến lược phát triển ngân hàng số riêng. Tuy nhiên, ở nước ngoài, hướng đi này khá phổ biến, nhiều trường hợp ngân hàng còn "mở" giao thức API để các đối tác/nhà phát triển dễ dàng tạo dựng các ứng dụng thích hợp với ngân hàng số. Hệ sinh thái ngân hàng số theo đó ngày càng đa dạng và phù hợp với người dùng.
Với YOLO, ở thời điểm hiện tại, ông Shameek Bhargava cho biết ứng dụng này đã và có kế hoạch kết nối với hơn 15 đối tác ở các ngành hàng và dịch vụ khác nhau từ bảo hiểm, sức khỏe, vận chuyển….
Nhưng kết nối với "thế giới bên ngoài" chỉ là một phần, cốt lõi của ngân hàng số vẫn là hoạt động ngân hàng. Là một ngân hàng thực thụ, ngân hàng số tất nhiên phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thanh toán, tiết kiệm và sau đó là các nhu cầu cao hơn như cho vay thế chấp, cho vay tín chấp, tín dụng tiêu dùng... Đây là các dịch vụ đặc thù của ngân hàng, các ứng dụng ví điện tử đơn thuần hay fintech không thể cạnh tranh.
Cơ sở dữ liệu khách hàng "khổng lồ" cũng là lợi thế cạnh tranh cực lớn của ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống, ví điện tử đơn thuần và fintech. Dữ liệu này không chỉ bao gồm các thông tin nhân khẩu học, dữ liệu các giao dịch thanh toán, lịch sử tiết kiệm, vay tiền..., mà còn có cả thói quen sử dụng các ứng dụng trong hệ sinh thái của ngân hàng số. Việc phân tích các dữ liệu trên cho phép ngân hàng "hiểu" được từng người dùng, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng cũng như các sản phẩm tài chính cá nhân.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone