Ngân hàng truyền thống và Fintech: Đối đầu hay hợp tác?

TS. Lê Võ Phương Nga - 03/06/2023 23:36 (GMT+7)

(VNF) - Xuất phát từ quy mô tương đối nhỏ so với các dịch vụ tài chính truyền thống song các dịch vụ tài chính số được cung cấp bởi Fintech đang có tốc độ tăng trưởng phi mã tại nhiều quốc gia và khu vực.

VNF

Thiết lập sân chơi lành mạnh cho ngân hàng và Fintech

Tại châu Âu, cuộc chiến giữa các ngân hàng truyền thống và các Neobank (tức ngân hàng số thế hệ mới, hoạt động qua Internet dưới dạng ứng dụng, không có phòng giao dịch và không có chi nhánh), đang ngày càng quyết liệt. Với ưu thế không phải gánh chi phí khổng lồ trong việc duy trì mạng lưới chi nhánh, các Neobank đang tỏ rõ lợi thế trong việc dành thị phần khách hàng với các ngân hàng truyền thống. Chỉ riêng tại châu Âu hiện có tới hơn 1.400 Neobank, đặc biệt là từ khi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và Fintech không ngừng xuất hiện kể từ năm 2005.

Fintech đang chứng tỏ là một trong những lĩnh vực mang lại nguồn thu khổng lồ, dự tính sẽ đạt mốc doanh thu 638 tỷ USD vào năm 2024. Fintech thâm nhập vào ngân hàng trực tuyến, vào công cụ huy động vốn cộng đồng, các công cụ thanh toán di động, quản lý tài chính hoặc hỗ trợ ra quyết định... Fintech đã có mặt ở khắp mọi nơi và có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và việc làm trên toàn thế giới, đặc biệt là trong ngành tài chính - ngân hàng.

Ở ngành này, Fintech có thể được coi là nhóm tiên phong mà giờ đây đã đạt đến độ chín muồi và đang trên đường tiến tới quy mô đáng kể, nhờ vào mô hình kinh doanh đã được chứng minh về tính ưu việt trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Fintech đang thổi luồng gió mới bằng cách khắc phục những hạn chế về sản phẩm, dịch vụ truyền thống thông qua việc hợp tác với các ngân hàng. Với các Fintech hiện nay, dịch vụ thanh toán được phát triển nhiều nhất, sau đó lấn dần sang các lĩnh vực khác.

Thực tế là dù mới thực sự bùng nổ chỉ trong vài năm trở lại đây nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty Fintech đã tạo ra những lo ngại thực sự cho các ngân hàng truyền thống. Trong một báo cáo năm 2019, các nhà tư vấn của McKinsey cho biết tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng châu Á từ mức trên 10% có thể giảm xuống mức trên 6% vào năm 2023 nếu các ngân hàng số thế hệ mới có thể nhanh chóng mở rộng quy mô và chiếm lĩnh được các phân khúc thị trường từ những nhà cho vay truyền thống. Lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống đã và đang thực sự bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh của các đối thủ Fintech.

Một số lớn các ngân hàng vì vậy sử dụng sức mạnh thương hiệu và công nghệ để chủ động phát triển Fintech. Một số ngân hàng khác thì nhanh chóng bắt tay với các công ty Fintech để tạo ra một tập hợp vững mạnh và tăng sức cạnh tranh như: Credit Mutuel kết hợp với IBM; BNP Paribas mua Compte Nikel; BPCE mua Fidor Bank và Lepotcommun… Ở Đức năm 2015, Deutsche Böerse đã mua 360T với giá 796 triệu USD - thương vụ mua lại công ty khởi nghiệp lớn nhất tại Đức vào thời điểm đó. Một vài ngân hàng lại có những biện pháp thử nghiệm lâu dài khác như Citigroup hay Banco Santander SA đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ này chuyên đi mua cổ phần của các công ty Fintech.

Ngược lại, các công ty Fintech thường không có hoặc rất hạn chế để có được giấy phép hoạt động ngân hàng, nên cũng có những lợi ích để bắt tay với các ngân hàng truyền thống.

Tựu trung, dù cạnh tranh hay hợp tác thì các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có nhà nước, cần nhanh chóng thiết lập các tiêu chuẩn chung để tạo ra sân chơi lành mạnh cho các ngân hàng cũng như Fintech.

Dữ liệu là tài sản

Các ngân hàng đều hiểu họ cần nắm giữ tài sản quý giá, đó là dữ liệu khách hàng, ai nắm được nguồn dữ liệu này thì đó là chìa khóa tạo nên sức cạnh tranh. Trong khi đó, các công ty Fintech qua dịch vụ của mình, có thể dần xây dựng và nắm bắt, chuyển hóa phần dữ liệu này sang ngân hàng. Nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng và quản lý tài chính càng lớn, càng mở ra cơ hội về dữ liệu cho các ngân hàng và công ty Fintech.

Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro mất an toàn thông tin là rất cao. Ở khía cạnh này, lợi ích khách hàng phải được đặt lên trên hết. Đó không chỉ là đạo đức kinh doanh mà là câu chuyện sống còn các ngân hàng. Đầu tư vào Fintech không chỉ để giảm chi phí và tăng độ tiện dụng, mà là để nắm giữ, bảo tồn và phát triển dữ liệu. Số hóa cũng hứa hẹn mở rộng phạm vi tài chính, việc tiếp cận khách hàng sẽ dễ dàng hơn và dữ liệu đầy đủ sẽ giúp cho vay chính xác hơn.

Ở cấp độ rộng hơn, càng nhiều người sử dụng một nền tảng, nó càng trở nên hữu ích và có khả năng thu hút thêm người khác. Ngành công nghiệp tài chính số vì vậy có xu hướng trở thành công cụ của sự độc quyền khai thác về dữ liệu. Nếu các công nghệ số được sử dụng cung cấp dữ liệu cho một chủ thể, chính phủ hay các nền tảng nào đó, thì khả năng giám sát, thao túng cũng như tấn công có thể tăng lên. Ant Group, công ty Fintech số 1 Trung Quốc và thế giới, đã bị phương Tây cáo buộc là nằm trong sự kiểm soát và điều khiển của chính quyền Trung Quốc. Đây là một trong những lý do khiến họ không được chào đón ở nước ngoài. Facebook, công ty nhận không ít chỉ trích về các hành vi đạo đức kinh doanh, cũng bị phản ứng dữ dội trên toàn cầu khi tung ra tiền điện tử Libra hai năm trước.

Sự phát triển của Fintech, đặc biệt trong ngành ngân hàng, phải gắn liền với nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư của mọi người khỏi các công ty lớn và các chủ đích chính trị. Công nghệ tài chính khi phát triển trong ngân hàng phải được thực hiện một cách an toàn và tôn trọng quyền cá nhân của khách hàng.

Quản trị rủi ro

Công cuộc chinh phục công nghệ tài chính cũng đem đến nhiều rủi ro. Khi phát triển các công nghệ tài chính, các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ pháp lý. Cùng với đó là sự lo ngại phát sinh các vấn đề an ninh tài chính và bảo mật thông tin khách hàng. Việc thanh toán trực tuyến sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, giả mạo trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng.

Trở ngại tiếp theo là khách hàng không hiểu hết sản phẩm và rủi ro của việc sử dụng các sản phẩm vốn đã phát triển với một tốc độ thần tốc.

Tựu trung, các ngân hàng lớn mặc dù có đủ vốn đầu tư cho phát triển các hoạt động số, song họ cũng phải cân nhắc, bài toán ở đây không chỉ là vấn đề chi phí, lợi nhuận mà còn là những rủi ro và ưu tiên chiến lược.

Đối với thị trường Việt Nam, hiện nay, khoảng 90% các ngân hàng thương mại đã và đang phát triển dịch vụ ngân hàng số với các mức độ khác nhau. So với các nước phát triển trên thế giới - nơi lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống đang bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh của các đối thủ Fintech, thì tại Việt Nam, ảnh hưởng của Fintech đối với hoạt động cơ bản như cho vay là chưa rõ ràng; nhưng trong lĩnh vực thanh toán, các công ty Fintech đang làm mưa làm gió và đang thực sự thay đổi thị trường.

Các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ phải lựa chọn bắt tay Fintech hay đầu tư phát triển riêng hệ thống ngân hàng số, với mục tiêu đa dạng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; phát triển tài sản dữ liệu; và tận dụng kinh nghiệm quản lý những rủi ro mà các nước đi trước đã trải qua để phát triển bền vững.

* TS. Lê Võ Phương Nga - Giám đốc Quản trị Tài Chính, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp; Giám đốc Tài chính, AVSE Global

Cùng chuyên mục
Tin khác