Ngân hàng tuần qua: Giảm lãi suất cho bất động sản, siết nợ Tân Hoàng Minh

Hải Đường - 12/03/2023 14:29 (GMT+7)

(VNF) - Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói vay ưu đãi, hạ lãi vay cơ sở nhằm giảm lãi suất cho vay.

VNF
(Ảnh minh hoạ)

Lãi suất cho vay mua nhà giảm: Thổi hơi ấm cho thị trường bất động sản

Cùng với việc giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay ở một số sản phẩm, trong đó có giảm lãi suất vay mua nhà. Lãi suất cho vay mua nhà tháng 3 này được điều chỉnh giảm từ 0,5-3%/năm so với tháng trước đó.

Có hai ngân hàng ngoại điều chỉnh giảm lãi suất vay mua nhà trong tháng này là Hong Leong Bank và Shinhan Bank. 

Trước đó, một số ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất cho vay mua nhà, vay kinh doanh bất động sản.

MSB hiện vẫn là nhà băng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất ở mức từ 4,99%/năm, cố định trong vòng 3 tháng đầu của khoản vay. MSB cũng đang triển khai các gói cho vay ưu đãi khác như: 6,99%/năm trong 6 tháng đầu; 7,99%/năm trong 12 tháng đầu; 8,75%/năm trong 8 tháng đầu và 9,15%/năm trong 24 tháng đầu.

Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà khá thấp. Đơn cử, TPBank (5,9%/năm), Eximbank(6,5%/năm), Standard Chartered (6,45%/năm)... Các mức lãi suất này dành cho những khách hàng mua nhà ở và nhà kinh doanh tại các dự án ngân hàng bảo lãnh.

Tuy nhiên, đây chỉ là mức ưu đãi của những tháng đầu tiên. Sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay mua nhà sẽ được tính theo lãi suất thả nổi theo thị trường hoặc lãi suất ở mức cao theo quy định ở mỗi ngân hàng.

Có thể thấy, dù vẫn ở mức cao nhưng lãi suất cho vay mua nhà hiện đã hạ nhiệt phần nào so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay mua nhà ở đã giảm từ 0,5-3% so với cuối năm trước.

>>> Xem thêm: Lãi suất cho vay mua nhà giảm: Thổi hơi ấm cho thị trường bất động sản

Bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui, VPBank thu về gần 1,4 tỷ USD

Theo nguồn tin trong ngành của Bloomberg, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC, một đơn vị của Sumitomo Mitsui, với giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu (khoảng 1,35 USD/cổ). Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ được ký kết vào cuối tháng này.

Ngân hàng đã lên kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ năm 2021 và đặt mục tiêu hoàn tất việc bán vào năm ngoái. Bà Lưu Thị Thảo, phó giám đốc điều hành thường trực của VPBank, cho biết số tiền thu được sẽ giúp ngân hàng bổ sung vốn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 1, Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui, Jun Ohta cho biết, công ty đang thảo luận về việc hợp tác vốn với VPBank, dựa trên liên minh với công ty này. Trước đó, ngân hàng này đã mua 49% cổ phần của công ty cho vay tiêu dùng Việt Nam FE Credit từ VPBank.

Được biết, thông tin này được đưa ra giữa thời điểm các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ USD vào châu Á để cung cấp dịch vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng trong khu vực. Vào tháng 11, Sumitomo Mitsui đã đồng ý mua thêm cổ phần của Tập đoàn Ngân hàng Thương mại Rizal có trụ sở tại Philippines với giá khoảng 460 triệu USD.

Hiện tại, phía VPBank chưa đưa ra bình luận về thông tin trên, trong khi Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và tài chính tiêu dùng SMBC chưa đưa ra ý kiến do đang trong kỳ nghỉ cuối tuần.

>>> Xem thêm: Bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui, VPBank thu về gần 1,4 tỷ USD

Đồng loạt hạ lãi suất, tung ưu đãi kích cầu tín dụng

Nhiều ngân hàng trong tuần qua đã điều chỉnh lãi suất huy động với mức giảm phổ biến từ 0,3-0,5%/năm. Thậm chí, ở một số kỳ hạn, lãi suất huy động còn giảm tới 2%/năm.

Sau lần đồng thuận hồi cuối năm 2022 không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, động thái mới nhất này là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa. Giới phân tích cho rằng, lãi suất huy động đã tạo đỉnh và sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thực tế vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và NHNN, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 1-2 điểm % cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Việc giảm lãi suất huy động tạo điều kiện cho lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - vốn đang tăng với tốc độ rất chậm trong 2 tháng đầu năm.

Trong hai tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP.HCM ước tăng lần lượt 2% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Với quy mô tín dụng ở hai thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng của cả nước tính đến cuối tháng 0/2023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.

NHNN vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho hay, room tín dụng không phải là vấn đề thời điểm này. Khi van tín dụng đã được xả, tiếp cận vốn không còn là vấn đề thì mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp, của người đi vay lúc này là lãi suất.

Đồng loạt hạ lãi suất, tung ưu đãi kích cầu tín dụng

Ngân hàng rao bán loạt tài sản của Tân Hoàng Minh để siết nợ

Agribank - chi nhánh Tràng An trong tuần qua đã thông báo bán đấu giá loạt tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại THM-Concrete - công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh để thu hồi nợ.

Loạt tài sản đứng tên Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại THM-Concrete được thế chấp cho các khoản vay tại Agribank - chi nhánh Tràng An gồm 40 tài sản là xe ô tô các loại, xe trộn bê tông, máy xúc, máy phát điện, máy đào,...

Cụ thể, số tài sản này gồm: 1 xe ô tô con 5 chỗ hiệu Mazda, sản xuất năm 2018; 2 xe ô tô hiệu Ford Ranger, cùng sản xuất năm 2018; 30 xe trộn bê tông cùng được sản xuất năm 2019; 2 máy xúc lật bánh lốp hiệu Liugong, sản xuất năm 2018; 1 trạm trộng bê tông công suất 180m3/h hoạt động từ năm 2018; 1 công trình trạm biến áp 1000kVA-35(22)/0,4kV hoạt động từ năm 2018; 1 máy phát điện sản xuất năm 2018; 1 hệ thống thiết bị làm mát nước; và máy đào bánh xích hiệu HITACHI, sản xuất năm 2018.

Giá trị của khoản nợ này tính đến thời điểm 1/12/2022 là 28,258 tỷ đồng và đang bị Agribank xếp vào nợ nhóm 5 (nợ không có khả năng thanh toán).

Giá khởi điểm cho loạt tài sản nói trên được Agribank đưa ra là 40,895 tỷ đồng. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 22/3/2023.

Trước đó, Agribank đã thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty THM - Concrete vào đầu tháng 2/2022. Cụ thể, Agribank cho biết do bên bảo đảm là THM- Concrete đã vi phạm thời hạn bàn giao tài sản bảo đảm theo thông báo về việc tự nguyện bàn giao để xử lý thu hồi nợ của Agribank chi nhánh Tràng An. Vì vậy, Agribank chi nhánh Tràng An thu giữ/tiếp quản tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ xấu theo quy định tại hợp đồng bảo đảm đã được ký kết.

>>> Xem thêm: Ngân hàng rao bán loạt tài sản của Tân Hoàng Minh để siết nợ

Ngân hàng tung vốn ưu đãi, DN vẫn khát vốn: Tiền tắc ở đâu?

Gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, áp dụng với cả khách hàng hiện hữu và cả dư nợ mới.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 2/2023, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022. Như vậy, đến nay, có 23 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Không chỉ giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, các ngân hàng đang triển khai hàng loạt gói vay mới với lãi suất ưu đãi.

Theo giới chuyên gia, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Động thái tích cực này được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân giảm được chi phí “giá vốn” và dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hơn.

Giới phân tích nhận định, mặc dù lãi suất huy động đã giảm trên diện rộng nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng. Lãi suất tiền gửi huy động cao mà không cho vay được thì sẽ không thu được lợi nhuận. Vì vậy, lãi suất cho vay cần giảm thêm để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nhất là lãi suất đi vay. Lãi suất cao đã đẩy giá thành lên mặt bằng giá mới, hơn nữa sẽ giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu vào các nước.

Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

>>> Xem thêm: Ngân hàng tung vốn ưu đãi, DN vẫn khát vốn: Tiền tắc ở đâu?

Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém

Trong tuần qua, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.

Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát; có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác; điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm nay.

>>> Xem thêm: Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng tung chục nghìn tỷ vốn ưu đãi, DN nhỏ và vừa vẫn kêu đói vốn

Ngay sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thông qua những gói tín dụng ưu đãi nhằm đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những đối tượng được các ngân hàng dành sự ưu tiên lớn với các gói vay ưu đãi, giảm lãi suất. Động thái này được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí "giá vốn".

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn do đơn đặt hàng giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Vì thế, yếu tố lãi suất sẽ tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vài tháng nay, tốc độ giải ngân vốn tín dụng ra thị trường của các ngân hàng thương mại rất chậm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) thời gian qua luôn dưới 50%, phản ánh các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.

Tại hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp của TP. HCM diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải vay vốn với lãi suất hơn 10%. Theo các doanh nghiệp, lãi suất trung hạn trên 10% đang được áp dụng gây khó khăn, áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất. Dù thời gian qua, ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyên nhân xuất phát từ điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có tài sản đảm bảo cho khoản vay như doanh nghiệp lớn; hệ số giao dịch với ngân hàng còn thấp và những năm dịch Covid-19 vừa qua không đạt doanh thu ổn định. Chưa kể, thủ tục tiếp cận dòng vốn vay cũng rườm rà.

>>> Xem thêm: Ngân hàng tung chục nghìn tỷ vốn ưu đãi, DN nhỏ và vừa vẫn kêu đói vốn

Cùng chuyên mục
Tin khác