Ngân hàng tuần qua: NHNN có thêm dự địa tiếp tục hạ lãi suất, SCB sắp họp ĐHCĐ bất thường

Hải Đường - 06/12/2020 11:13 (GMT+7)

(VNF) - Đấu giá trọn lô 4 triệu cổ phần MSB do DATC sở hữu; Tổng giám đốc VPBank được mua hơn 5,6 triệu cổ phần VPB với giá rẻ; SCB sắp họp ĐHCĐ bất thường; BIDV đấu giá loạt bất động sản hàng nghìn mét vuông ở Sa Đéc;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF
SCB sắp họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến tăng vốn thêm 15.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2023 là tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

SSI: Lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục đi ngang trong một vài tháng tới

Báo cáo thị trường tiền tệ - trái phiếu tuần 23/11 - 27/11 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố cho hay tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,03-0,04 điểm%, chốt tuần ở mức 0,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,25%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trong bối cảnh một số ngân hàng thương mại lớn đã điều chỉnh giảm 0,2 điểm % với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và dự nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 17/11/2020 là 8,79 triệu tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức cùng kỳ năm 2019, SSI nhận định thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn đang rất dồi dào, đồng thời dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục đi ngang trong một vài tháng tới.

Trên thị trường ngoại hối, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 50 VND/USD tỷ giá mua vào, về mức 23.125 VND/USD sau một năm giữ nguyên. Điều này khiến tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại cũng giảm mạnh trong những ngày sau đó.

Tuy nhiên, SSI nhấn mạnh rằng tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại hiện vẫn thấp hơn tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước và chênh lệch tỷ giá bán ra- mua vào vẫn giữ ở mức rất rộng (210 VND/USD).

>>> Xem thêm: SSI: Lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục đi ngang trong một vài tháng tới

Đấu giá trọn lô 4 triệu cổ phần MSB do DATC sở hữu, giá khởi điểm 52,4 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sẽ tiến hành bán đấu giá hơn 4 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) trong tháng 12 này.

Giá khởi điểm của cả lô cổ phần MSB là hơn 52,4 tỷ đồng, tương đương 13.000 đồng/cổ phần. Đối tượng tham gia đấu giá là các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ ngày 15/12/2020 đến ngày 7/12/2020 tại trụ sở của DATC.

Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 23/12/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Được biết, vào tháng 5/2019, DATC đã từng bán đấu giá 4 triệu cổ phần MSB với mức giá 11.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chỉ có 2 nhà đầu tư mua tổng cộng 1.800 cổ phần MSB với mức giá bình quân là 11.894 đồng/cổ phần.

>>> Xem thêm: Đấu giá trọn lô 4 triệu cổ phần MSB do DATC sở hữu, giá khởi điểm 52,4 tỷ đồng

Tổng giám đốc VPBank được mua hơn 5,6 triệu cổ phần VPB với giá rẻ

Theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên trong công ty (ESOP), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) dự kiến phát hành 17 triệu cổ phần từ nguồn cổ phiếu quỹ, tương đương tỷ lệ 0,672% tổng số cổ phiếu và tương đương 0,697% số cổ phiếu đang lưu hành.

Giá phát hành của 17 triệu cổ phần theo chương trình ESOP là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị phát hành là 170 tỷ đồng.

Các cổ phiếu trong đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm và được giải tỏa dần theo tỷ lệ 30% sau năm đầu tiên, 35% sau năm thứ hai và 35% sau 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2020 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua và đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật.

Theo danh sách phân phối cổ phiếu mà phía VPBank công bố, ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc ngân hàng này sẽ được mua hơn 5,6 triệu cổ phần mới với giá 10.000 đồng/cổ phần, nâng tổng số cổ phần VPB nắm giữ lên hơn 38 triệu đơn vị (tương đương tỷ lệ sở hữu 1,5%).

Ngoài ông Nguyễn Đức Vinh, 12 cán bộ cấp cao và người có liên quan khác cũng được phân phối hơn 1,2 triệu cổ phần VPB trong đợt phát hành này. 

>>> Xem thêm: Tổng giám đốc VPBank được mua hơn 5,6 triệu cổ phần VPB với giá rẻ

Phó thống đốc Đào Minh Tú: 'Cá nhân đầu tư vào sàn Forex là tiếp tay cho hoạt động phạm luật'

Tại cuộc họp báo chính phủ thường kì chiều nay (2/12), báo chí đã đặt câu hỏi cho Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú về hoạt động của các sàn Forex.

Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế…

"Hiện nay, chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào. Tất cả các sàn đang hoạt động không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật", ông Tú nhấn mạnh.

Về việc hình thành sàn mua bán nợ xấu, ông Tú cho biết Công ty Mua bán nợ (VAMC) được phép mua bán nợ xấu. Và theo đề xuất của VAMC, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể chấp thuận trên cơ sở đủ các điều kiện có thể thực hiện sàn giao dịch này.

Về thực trạng lãi suất thấp khiến tiền chảy ra các kênh tài sản, ông Tú cho rằng việc người dân rút tiền từ ngân hàng ra là quyền của người dân. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là quyền của các nhà đầu tư. 

>>> Xem thêm: Phó thống đốc Đào Minh Tú: 'Cá nhân đầu tư vào sàn Forex là tiếp tay cho hoạt động phạm luật'

SSI: Techcombank 'hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp'

Báo cáo phân tích công bố mới đây của Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Tehcombank) đang "hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp".

Trên thực tế, kết quả kinh doanh tích cực trong quý III cũng như lũy kế 9 tháng năm 2020 của ngân hàng này một phần do hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất.

SSI dự báo Techcombank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 14,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 (tăng 13,4% so với năm 2019) và 15,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 (tăng 8,6% so với năm 2020).

SSI ước tính lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến nửa cuối năm 2021, giúp Techcombank giảm thiểu chi phí vốn.

Bên cạnh đó, dịch vụ thu phí của ngân hàng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp. SSI cho rằng hoạt động kinh doanh trái phiếu của Techcombank sẽ tiếp tục phát triển trong 2-3 năm tới do nhu cầu phát hành nợ của các doanh nghiệp lớn vẫn ở mức cao trong giai đoạn 2021-2023.

Techcombank có tỷ lệ nợ quá hạn thấp thứ hai (sau ACB) và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao thứ hai trong số các ngân hàng niêm yết (sau Vietcombank), do trích lập dự phòng lớn trong quý III/2020 để giải quyết nợ xấu.

Trong thời gian tới, SSI giả định tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2021 sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực, trong khi ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng lớn để đảm bảo bảng cân đối kế toán lành mạnh.

>>> Xem thêm: SSI: Techcombank 'hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp'

SCB sắp họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến tăng vốn thêm 15.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2023

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới đây đã gửi thông báo mời họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2020 đến các cổ đông của ngân hàng này. Cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 27/12 tới đây tại tòa nhà Times Square (TP. HCM).

Theo tờ trình ĐHCĐ, HĐQT SCB đề xuất chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023, riêng năm 2020-2021 tăng thêm 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành 500 triệu cổ phần mới (tương đương tỷ lệ 32,92%).

Theo phương án mà SCB sẽ trình lên ĐHCĐ, giá chào bán cho đợt phát hành này là 10.000 đồng/cổ phần. Sau phát hành, vốn điều lệ của SCB dự kiến tăng từ 15.231 tỷ đồng lên 20.231 tỷ đồng.

Số vốn tăng thêm sẽ dành 4.000 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, 500 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin và 500 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu.

Nếu phương án tăng vốn được thông qua, thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2020-2021, sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, SCB đặt mục tiêu chậm nhất là năm 2025 sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). HĐQT của ngân hàng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể của từng năm và triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: SCB sắp họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến tăng vốn thêm 15.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2023

BIDV đấu giá loạt BĐS hàng nghìn mét vuông ở Sa Đéc, giá khởi điểm 177 tỷ đồng

Theo thông báo phát mãi tài sản của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), 5 trong số 24 bất động sản mà ngân hàng này công bố bán đấu giá là các quyền sử dụng đất tại TP. Sa Đéc có diện tích từ 1.336m2 – 6.333m2. 16 bất động sản là các quyền sử dụng đất tại tỉnh Đồng Tháp (chủ yếu tại TP. Sa Đéc) có diện tích từ 196m2 – 874m2.

Ngoài ra, các tài sản mà BIDV đang rao bán còn bao gồm 3 tài sản gắn liền với đất là các nhà kho có diện tích từ 1.963m2 – 3.822m2, cùng nhiều máy móc thiết bị, dây chuyền xây xát, lau bóng gạo tại TP. Sa Đéc.

Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra cho toàn bộ các tài sản này là 177,78 tỷ đồng.

Dù không công bố chủ sở hữu của toàn bộ các bất động sản và động sản trên, nhưng trong thông báo, BIDV tiết lộ về việc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Quang Trung và người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Từ Vinh Trung đang đứng tên 3 trong số 24 bất động sản mà ngân hàng này đang rao bán.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Quang Trung có địa chỉ trụ sở chính tại xã Tân Quy Tây, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, là khu vực tọa lạc của phần lớn các bất động sản mà BIDV đang bán đấu giá.

Ngành nghề chính của công ty theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là xay xát thóc lúa, đánh bóng gạo.

Như vậy, không ngoại trừ khả năng các bất động sản và máy móc thiết bị dây chuyển xây xát, lau bóng gạo mà phía BIDV đang rao bán chính là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Quang Trung tại ngân hàng.

>>> Xem thêm: BIDV đấu giá loạt BĐS hàng nghìn mét vuông ở Sa Đéc, giá khởi điểm 177 tỷ đồng

Lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để tiếp tục hạ lãi suất

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã giảm 0,01% so với tháng trước và là lần giảm đầu tiên kể từ giai đoạn tháng 4, tháng 5 năm nay - thời kỳ các hoạt động kinh tế bị đình trệ bởi đợt cách ly xã hội do Covid-19.

Như vậy, lạm phát tháng 11 chỉ tăng 1,48% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2016. 

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lạm phát tháng 12 sẽ tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước do 2 yếu tố. Thứ nhất, mặt bằng giá xăng dầu bình quân trên thị trường thế giới dự báo tăng khoảng 8% so với tháng trước. Thứ hai, nhu cầu mua sắm và sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm thường tăng mạnh.

"Chúng tôi giảm dự báo lạm phát bình quân trong năm 2020 xuống còn 3,3% từ mức 3,5% trước đó, do diễn biến của giá thịt lợn hiện đang trong xu hướng giảm nhờ nguồn cung được cải thiện và giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp nhiều hơn so với cùng kỳ", phía KBSV cho hay.

"Các tín hiệu tích cực của lạm phát giúp chúng tôi gia tăng kỳ vọng vào việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong tương lai gần, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", nhóm chuyên gia của KBSV cho biết thêm.

>>> Xem thêm: Lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để tiếp tục hạ lãi suất

Cùng chuyên mục
Tin khác