Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: NHNN đổi phương án mua ngoại tệ, hơn 15 triệu cổ phiếu HDBank đổi chủ

(VNF) - 15,3 triệu cổ phiếu HDBank đổi chủ; người nhà ban lãnh đạo VIB tiếp tục giao dịch hàng triệu cổ phiếu; ngân hàng quốc doanh lép vế so với ngân hàng tư nhân; BIDV rao bán khoản nợ 232 tỷ đồng của Hàm Rồng… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: NHNN đổi phương án mua ngoại tệ, hơn 15 triệu cổ phiếu HDBank đổi chủ

Hơn 15 triệu cổ phiếu của HDBank đổi chủ là một trong những tin tức đáng chú ý tuần qua

Tổng giám đốc Sovico và Địa ốc Phú Long trao tay 15,3 triệu cổ phiếu HDBank?

Ông Phạm Khắc Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sovico, đăng ký mua vào hơn 15,3 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) với mục đích đầu tư, theo phương thức giao dịch thỏa thuận.

Sovico hiện là cổ đông lớn duy nhất của HDBank, nắm giữ hơn 232 triệu cổ phiếu HDB, tương đương tỷ lệ sở hữu 14,45%.

Trước giao dịch, ông Dũng không sở hữu bất kỳ cổ phiếu HDB nào. Nếu giao dịch thành công, tổng giám đốc Sovico sẽ trở thành cổ đông của HDBank với tỷ lệ sở hữu là 0,95%.

Ở chiều ngược lại, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long đăng ký bán cùng số lượng cổ phiếu HDB mà ông Phạm Khắc Dũng đăng ký mua (hơn 15,3 triệu đơn vị) theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, Địa ốc Phú Long dự kiến giảm số lượng cổ phiếu HDB nắm giữ xuống còn hơn 4,1 triệu đơn vị, tương đương 0,26% vốn điều lệ.

Cả 2 giao dịch trên đều dự kiến thực hiện từ ngày 30/12/2020 đến ngày 28/1/2021. Không ngoại trừ khả năng tổng giám đốc Sovico và Địa ốc Phú Long đang trao tay thỏa thuận hơn 15,3 triệu cổ phiếu HDB. Được biết, Địa ốc Phú Long là đơn vị thành viên của Sovico.

>>> Xem thêm: Tổng giám đốc Sovico và Địa ốc Phú Long trao tay 15,3 triệu cổ phiếu HDBank?

VIB: Người nhà ban lãnh đạo tiếp tục giao dịch hàng triệu cổ phiếu

Theo đó, bà Lê Thị Phiệt, mẹ đẻ của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) – bà Trần Thị Thu Hương, đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu VIB. Bà Phiệt không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VIB nào trước giao dịch và dự kiến trở thành cổ đông của VIB nếu gom thành công 4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,36%.

Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian từ ngày 30/12/2020 đến ngày 28/1/2021, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Chiếu theo thị giá của VIB, ước tính mẹ của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ sẽ phải chi khoảng 131 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.

Cùng chiều mua vào, con trai và con gái của thành viên HĐQT Ngân hàng Quốc tế Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hoàng, lần lượt đăng ký mua vào 2 triệu và 1,5 triệu cổ phiếu VIB theo nhu cầu đầu tư.

Cả 2 cá nhân trên đều không sở hữu cổ phiếu VIB trước giao dịch. Nếu giao dịch thành công, con trai và con gái của ông Đỗ Xuân Hoàng sẽ trở thành cổ đông của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 0,18% và 0,135%.

2 giao dịch này đều được thực hiện trong thời gian từ ngày 31/12/2020 đến ngày 26/1/2021, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Theo thị giá của VIB, ước tính 2 người con của ông Đỗ Xuân Hoàng sẽ phải chi tổng cộng 115 tỷ đồng để giao dịch diễn ra thành công.  

>>> Xem thêm: VIB: Người nhà ban lãnh đạo tiếp tục giao dịch hàng triệu cổ phiếu

“Năm Covid” 2020, ngân hàng quốc doanh lép vế so với ngân hàng tư nhân

Ngân hàng quốc doanh lép vế so với ngân hàng tư nhân xét về cả quy mô tổng tài sản, vốn tự có và vốn điều lệ.

Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến hết tháng 10/2020, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại quốc doanh đạt mức 5,44 triệu tỷ đồng.

Con số này giảm tới hơn 41.000 tỷ đồng so với cuối tháng 9. Còn so với cuối năm 2019, tổng tài sản của các ngân hàng quốc doanh chỉ tăng vỏn vẹn 0,06%.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 10/2020, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại tư nhân lên đến 5,61 triệu tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với tháng trước. Còn so với cuối năm 2019, tổng tài sản đã tăng 7,68%.

Nhìn lại, quy mô tổng tài sản của nhóm ngân hàng tư nhân vượt ngân hàng quốc doanh vào cuối tháng 5/2020 và giữ vị thế này cho đến hết lần cập nhật gần nhất là cuối tháng 10/2020.

Sự thua kém về tổng tài sản cho thấy nhóm ngân hàng quốc doanh đang lép vế hẳn so với nhóm ngân hàng tư nhân bởi từ lâu, nhóm ngân hàng tư nhân đã vượt mặt nhóm ngân hàng quốc doanh về quy mô vốn tự có và quy mô vốn điều lệ.

Ở lần cập nhật gần nhất, đến cuối tháng 10/2020, vốn tự có của nhóm ngân hàng tư nhân là trên 488.000 tỷ đồng, trong khi đó con số này ở nhóm ngân hàng quốc doanh là gần 420.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, quy mô vốn điều lệ của nhóm ngân hàng tư nhận gần gấp đôi nhóm ngân hàng quốc doanh, trên 300.000 tỷ đồng so với trên 155.000 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: “Năm Covid” 2020, ngân hàng quốc doanh lép vế so với ngân hàng tư nhân

VietinBank: Tỷ lệ nợ xấu chốt năm sẽ giảm mạnh?

Cách thời điểm kết thúc năm 2020 chỉ vài ngày, HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) bất ngờ công bố Nghị quyết về việc phê duyệt chính thức mục tiêu tài chính năm 2020.

Theo đó, dư nợ tín dụng mục tiêu tăng 4-8,5%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng 5-10%.

Đáng chú ý, VietinBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Cùng với đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 10.400 tỷ đồng.

Số liệu 9 tháng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VietinBank là 1,87%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC, con số ước tính ở mức khoảng 2,2%.

Trong quý IV/2020, VietinBank đã thực hiện tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu chốt năm dưới 1,5% cho thấy ngân hàng này đã ưu tiên làm sạch bảng cân đối kế toán trong quý cuối cùng năm nay, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh.

Năm 2021, VietinBank ước tính chi phí dự phòng sẽ ở mức 10-12 nghìn tỷ đồng, do chịu tác động kéo dài của Covid-19. Mục tiêu nợ xấu ở mức dưới 2% tổng dư nợ.

Đồng thời, VietinBank đặt kế hoạch ghi nhận 2-3 nghìn tỷ đồng mỗi năm thu từ nợ xấu đã xóa trong giai đoạn 2021-2022. Ngân hàng này kỳ vọng sẽ thu được hết các khoản nợ tái cơ cấu khi đáo hạn.

Ngân hàng cũng cho biết đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản nợ xấu của các công ty liên quan đến Bộ Công Thương. 

>>> Xem thêm: VietinBank: Tỷ lệ nợ xấu chốt năm sẽ giảm mạnh?

BIDV rao bán khoản nợ 232 tỷ của Hàm Rồng với giá giảm một nửa

Khoản nợ của Công ty TNHH MTV Hàm Rồng (tạm gọi là Công ty Hàm Rồng) tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tính đến ngày 31/8/2019 có giá trị hơn 232 tỷ đồng. Trong đó dự nợ gốc là 80 tỷ đồng, lãi là 152 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 88/10 khu phố Đông Nhi, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. BIDV cho biết diện tích khu đất là 9.443,5m2, diện tích sàn là 6.581m2.

Giá chào bán mà BIDV công bố là hơn 120 tỷ đồng, thấp hơn nửa giá so với giá trị khoản nợ.

Vào tháng 6/2019, BIDV từng rao bán khoản nợ của Công ty Hàm Rồng với giá chào bán không thấp hơn tổng giá trị khoản nợ. Tại thời điểm đó, nợ gốc của Công ty Hàm Rồng tại BIDV được công bố là 92 tỷ đồng, tiền lãi là 24,5 tỷ đồng, tổng giá trị khoản nợ là 116,5 tỷ đồng.

Không lâu sau vào tháng 10/2019, BIDV lại phát đi thông báo tìm tổ chức đấu giá cho khoản nợ này. Theo thông báo tại thời điểm này, nợ gốc của Công ty Hàm Rồng chỉ còn 80 tỷ đồng, tương tự với giá trị nợ gốc mà BIDV vừa thông báo.

>>> Xem thêm: BIDV rao bán khoản nợ 232 tỷ của Hàm Rồng với giá giảm một nửa

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án mua ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có thông báo về việc điều chỉnh phương án mua ngoại tệ tới các tổ chức tín dụng.

Theo đó, từ ngày 31/12/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước và ngừng mua ngoại tệ giao ngay.

Kế đó, từ ngày 4/1/2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD (bằng mức giá mua giao ngay gần nhất). Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước theo phương án này.

Đối tượng Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước; mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về cân bằng.

Trạng thái ngoại tệ để xem xét duyệt mua ngoại tệ là trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng vào cuối ngày làm việc liền trước ngày làm việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ.

>>> Xem thêm: Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án mua ngoại tệ

Ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ ATM từ ngày 31/3/2021

Các tổ chức phát hành thẻ sẽ phải thực hiện việc mở thẻ ghi nợ nội địa (ATM) mới là thẻ chip nội địa, thay vì thẻ từ như hiện tại bắt đầu từ ngày 31/3/2021.

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ.

Như vậy, thời hạn này được điều chỉnh sớm hơn tới 9 tháng so với quy định trước đó (31/12/2021).

Theo dự thảo, dự kiến việc thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 để tạo điều kiện các ngân hàng có khoảng thời gian triển khai các biện pháp phù hợp trong việc dừng phát hành thẻ từ.

Theo các ngân hàng, khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip hiện nay là nhiều khách hàng còn chưa chủ động đăng ký chuyển đổi thẻ đang sử dụng dù đã có nhiều thông báo từ ngân hàng về việc này.

Tính đến cuối quý 3/2020, cả nước có hơn 93,78 triệu thẻ nội địa đang lưu hành; trong đó chủ yếu là thẻ ATM.

Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021 sẽ có 100% thẻ ngân hàng và các thiết bị chấp nhận thẻ tại Việt Nam phải được chuyển đổi sang tiêu chuẩn chip.

>>> Xem thêm: Ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ ATM từ ngày 31/3/2021

Tin mới lên