Ngân hàng tuần qua: OCB sắp lên sàn, Agribank lãi gần 13.000 tỷ

Hải Đường - 16/01/2021 15:09 (GMT+7)

(VNF) - Cơ hội hàng ngàn tỷ đồng từ thị trường cho vay ngang hàng; lãi suất có thể tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2021; Agribank lãi gần 13.000 tỷ đồng năm 2020; OCB sắp lên sàn với định giá hơn 25.000 tỷ đồng;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF
OCB sắp lên sàn với định giá hơn 25.000 tỷ đồng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Các ngân hàng sẽ nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng trong năm 2021?

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả cuộc điều tra “Xu hướng tín dụng” tháng 12/2020 và cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2021” đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng chậm lại rõ rệt trong năm 2020. Kết quả điều tra cho thấy các tổ chức tín dụng đã và dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất biên và các chi phí lãi suất trong nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Đáng chú ý, theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, trong nửa cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều lĩnh vực ưu tiên và giảm thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng khác.

Dự kiến trong năm 2021, các TCTD sẽ “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng.

Theo kết quả điều tra, 66,3% các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2021 sẽ cải thiên hơn với quý IV/2020; 81% các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh năm 2021 sẽ cải thiện hơn so với năm 2020. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 3,5% trong quý I/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021.

Hầu hết các nhóm TCTD đều nâng mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2021, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.

Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý I/2021 và cả năm 2021, tạo cơ sở cho kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.

Dự nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, các nhóm TCTD còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021.

>>> Xem thêm: Các ngân hàng sẽ nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng trong năm 2021?

Cơ hội ngàn tỷ đồng từ thị trường cho vay ngang hàng

Theo dự thảo “báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế “ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ 2016.

Số lượng công ty P2P lending hiện nay vào khoảng 100 công ty (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm) như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan... trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia...

Theo báo cáo của Adroit Market Research, quy mô hoạt động P2P lending toàn cầu năm 2017 đạt 231,1 tỷ USD và theo báo cáo BIS Quarter Review 2018 của Ngân hàng thanh toán quốc tế, thị trường P2P lending lớn nhất hiện nay là Trung Quốc (năm 2015 là 99,7 tỷ USD, 2016 là 240,9 tỷ USD), tiếp theo là Mỹ (năm 2015 là 34,3 tỷ USD, năm 2016 là 32,4 tỷ USD) và Anh (năm 2015 là 4,1 tỷ USD, năm 2016 là 6 tỷ USD).

Báo cáo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường P2P lending toàn cầu giai đoạn 2016-2024 cho hay thị trường P2P lending có thể tăng trưởng đến 897,9 tỷ USD vào năm 2024.

Thị trường cho vay ngang hàng này đang ngày càng phát triển ở Việt Nam. Theo bà Natalia Kovakenko, giám đốc Money Cat - một nền tảng công nghệ hỗ trợ dịch vụ cho vay online để kết nối người vay và đối tác cho vay, có hoạt động tại Việt Nam, thì trong số hàng trăm ngàn khoản vay năm 2020, có đến 94% khách hàng trở lại dùng dịch vụ.

Hoạt động của mô hình P2P lending thời gian qua đã mang lại nhiều các ảnh hưởng tích cực. Tuy nhiên, mô hình P2P Lending nếu như không được quản lý, giám sát chặt chẽ thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Nếu không được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đúng mức thì có thể gia tăng rủi ro về các sự cố liên quan đến công nghệ thông tin. Không có sự giám sát chặt chẽ thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.

>>> Xem thêm: Cơ hội ngàn tỷ đồng từ thị trường cho vay ngang hàng

Lãi suất sẽ chạm đáy trong nửa đầu năm 2021?

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo Triển vọng vĩ mô 2021 công bố mới đây, xét về tổng thể, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của NHNN vẫn ở mức nhẹ hơn so với các nước trong khu vực và chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại (NHTM), do vậy mức tác động đến cung tiền là không nhiều như các quốc gia khác.

Thanh khoản hệ thống năm 2020 duy trì dồi dào, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm với mức chênh lệch phần tăng thêm cung tiền M2 và tín dụng luôn duy trì ở mức cao.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, với mức giảm 1,5–3 điểm%. Lãi suất cho vay có mức giảm nhẹ hơn, khoảng 0,5–1 điểm%, chủ yếu do yêu cầu giảm từ NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn sau dịch.

KBSV dự báo năm 2021, nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn, nhiều khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại.

tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ đã chạm mức đáy từ trước đến nay, trong khi lãi suất huy động cũng giảm  xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

"Chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021 bởi: kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng; tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm", nhóm chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

>>> Xem thêm: Lãi suất sẽ chạm đáy trong nửa đầu năm 2021?

Agribank lãi gần 13.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2020 với khoản lợi nhuận gần 13.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm.

Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng cho biết đến cuối tháng 12/2020, tổng tài sản ngân hàng đã đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ước đạt hơn 1,45 triệu tỷ.

Cùng thời điểm, Agribank có tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên 1,21 triệu tỷ, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm xấp xỉ 70% dư nợ cho vay của ngân hàng và là nhà băng có dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn lớn nhất hệ thống.

Cũng trong năm vừa qua, Agribank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 8%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,89%.

Theo kế hoạch, Agribank dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ đạt khoảng 8-11%, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 10%, trong đó, thu từ dịch vụ tăng 6-8%.

Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 8-11% như kế hoạch, lãnh đạo Agribank cho biết ngân hàng phải được tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.

Hiện tại, Quốc hội đã phê duyệt phương án tăng vốn thêm 3.500 tỷ đồng cho Agribank, nhưng đến nay, ngân hàng vẫn phải chờ các cấp phê duyệt thủ tục. Lãnh đạo nhà băng cũng mong muốn sớm được phê duyệt phương án cổ phần hóa để nâng cao năng lực tài chính trong tương lai.

>>> Xem thêm: Agribank lãi gần 13.000 tỷ đồng

OCB sắp lên sàn với định giá hơn 25.000 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với mã chứng khoán OCB.

OCB sẽ giao dịch tại HoSE vào ngày 28/1 tới đây với giá tham chiếu là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/- 20%. Giá trị vốn hóa thị trường của Ngân hàng Phương Đông tại thời điểm chào sàn vào khoảng 25.000 tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu mà ngân hàng này đăng ký giao dịch là gần 1,1 tỷ đơn vị, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là gần 11.000 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch niêm yết cổ phiếu OCB tại HoSE được ĐHCĐ thường niêm năm 2020 phê duyệt hồi tháng 6/2020. Sau đó, OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ vào đầu tháng 10/2020 và hoàn tất tăng vốn từ hơn 8.760 tỷ đồng lên gần 10.960 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019.

Số liệu lũy kế 11 tháng năm 2020 cho thấy, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 3.830 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản của OCB hiện ở mức trên 130.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 17.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trên 86.000 tỷ đồng và là ngân hàng thiên về cho vay trung và dài hạn khi các khoản cho vay này chiếm cỡ 70% dư nợ tín dụng.

Tính đến hết quý III/2020, tổng nợ xấu của OCB tăng 30%, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 35%, nợ nghi ngờ tăng 81% và nợ có khả năng mất vốn tăng 11%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này không thể duy trì ở mức dưới 2% như thời điểm đầu năm mà thay vì đó là tăng lên 2,15%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 54%.

>>> Xem thêm: Lên sàn với định giá hơn 25.000 tỷ, OCB kinh doanh ra sao?

Sửa Thông tư 01, lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể chỉ tăng 10%

Chia sẻ tại hội thảo "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán" diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực đánh giá năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã tăng trưởng khá tốt với mức tăng lợi nhuận khoảng 10%.

Năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chưa chắc sẽ "mỹ mãn" nếu như thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành.

Vị chuyên gia này cho biết Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 theo hướng: sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây, tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.

Trên tinh thần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng như vậy, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 "may ra sẽ được như năm 2020, tức là tăng khoảng 10%".

Theo nội dung sửa đổi, TCTD sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/3/2021. Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Đặc biệt, Thông tư 01 sửa đổi quy định TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cả các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch theo quy định tại Thông tư. 

>>> Xem thêm: Sửa Thông tư 01, lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể chỉ tăng 10%

Cùng chuyên mục
Tin khác