Nghĩ về các cổ phiếu lên sàn năm Hợi

Thanh Long - 03/02/2019 00:07 (GMT+7)

(VNF) - Năm Hợi có lẽ là năm lên sàn may mắn, bởi không ít doanh nghiệp niêm yết năm này hiện đã trở thành những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước, trong đó, 3 cái tên tiêu biểu nhất là Công ty Cổ phần Vincom (tiền thân của Tập đoàn Vingroup), Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

VNF
Công ty Cổ phần Vincom (tiền thân của Tập đoàn Vingroup) lên sàn năm Đinh Hợi 2007

Thị trường chứng khoán năm nay bước sang tuổi 20 và từng trải qua một năm Hợi đầy xúc cảm: năm 2007. Đây là năm VN-Index thiết lập "đỉnh lịch sử" (đỉnh này đã bị phá vỡ năm 2018), nối tiếp đó là sự sụt giảm và đổ vỡ liên hoàn suốt 2 năm sau đó.

Nhìn lại, từ mức đỉnh 1.171 điểm hồi tháng 3/2007, VN-Index đã giảm một mạch xuống chỉ còn...287 điểm vào tháng 12/2008 và chạm đáy 236 điểm vào tháng 2/2009. Chưa đầy 2 năm, bình quân các nhà đầu tư đã bị chia 4 tài khoản.

Dù vậy, cho đến cuối năm 2007, đa phần các nhà đầu tư vẫn chưa nhận ra rằng sự đổ vỡ đã bắt đầu, mà chỉ cho rằng sự sụt giảm từ đỉnh là tất yếu khi giai đoạn trước đó đã tăng quá nhanh. Về con số, VN-Index vẫn tăng tới 24% trong năm 2007, từ 741 điểm lên 921 điểm.

Năm Hợi có lẽ là năm lên sàn may mắn, bởi không ít doanh nghiệp niêm yết năm này hiện đã trở thành những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước, trong đó, 3 cái tên tiêu biểu nhất là Công ty Cổ phần Vincom (tiền thân của Tập đoàn Vingroup), Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Công ty Cổ phần Vincom (tiền thân của Tập đoàn Vingroup)

Ngày 19/9/2007, cổ phiếu VIC của Công ty Cổ phần Vincom - tiền thân của Tập đoàn Vingroup - chính thức niêm yết sàn HoSE.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom thời đó cho rằng việc đưa cổ phiếu công ty niêm yết tại HoSE là "một bước tiến lớn trong lộ trình phát triển của Vincom".

“Với tiềm lực về tài lực và vật lực, tôi tin Vincom sẽ có những bước tiến trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực để có thể đem lại hiệu quả lợi nhuận cao nhất cho các nhà đầu tư, hợp tác cùng Vincom”, ông Lê Khắc Hiệp cho hay.

Thời điểm đó, ông Hiệp còn cho biết định hướng phát triển của Vincom là "tập trung đầu tư kinh doanh các loại hình bất động sản cao cấp, tài chính, ngân hàng và công nghiệp năng lượng".

Ông Lê Khắc Hiệp (trái) tại lễ niêm yết cổ phiếu VIC năm 2007

Nhìn lại, năm 2007, Vincom đạt doanh thu 180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 333 tỷ đồng thì 10 năm sau, con số này lần lượt là 89.000 tỷ đồng và 9.100 tỷ đồng, nghĩa là tăng tới gần 500 lần về doanh thu và 27 lần về lợi nhuận.

Về giá cổ phiếu, năm 2007, VIC lên sàn với giá 125.000 đồng/cổ phiếu, quy đổi ra giá hiện tại vào khoảng 5.500 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá VIC đang ở mức khoảng 100.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là gấp 18 lần so với thời điểm lên sàn.

Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI)

SSI lên sàn HoSE vào ngày 29/10/2007, tuy nhiên trên thực tế, công ty chứng khoán này đã lên sàn HNX từ năm 2006.

Trước khi chuyển sàn, cổ phiếu SSI đã tăng giá mạnh. Từ mức 160.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 8, ngày 12/10 (ngày SSI rời sàn HNX), thị giá cổ phiếu SSI đã lên trên 260.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới 62,5%.

Ngày mở cửa hoạt động, ông Nguyễn Duy Hưng (thứ hai từ trái qua) được đón cả nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm SSI

Mặc dù cách nay tới hơn 10 năm nhưng kết quả kinh doanh của SSI thời điểm đó thậm chí còn hơn nhiều các công ty chứng khoán bây giờ. Năm 2007, doanh thu của SSI đạt 1.352 tỷ đồng, lợi nhuận lên đến 864 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của SSI ước đạt lần lượt 3.950 tỷ đồng và 1.619 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu SSI tăng gần gấp 3 sau 11 năm, lợi nhuận tăng gần gấp đôi. Mặc dù không quá ấn tượng nhưng nên nhớ, năm 2007, chỉ số VN-Index thậm chí còn cao hơn cả hiện nay, vì vậy lợi nhuận cao không lạ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát

Ngày 15/11/2007, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát chính thức lên sàn HoSE với giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh về hiện nay là khoảng 5.500 đồng/cổ phiếu).

Trước khi lên sàn, Hòa Phát đã thực hiện tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn với việc Công ty Thép Hòa Phát mua lại cổ phần ở 6 công ty con và đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Suốt hơn 5 năm kể từ khi lên sàn, cổ phiếu HPG vẫn dao động lình xình quanh ngưỡng giá chào sàn. Khoảng từ tháng 7/2013, cổ phiếu HPG mới bắt đầu tăng mạnh và bật mạnh nhất từ tháng 8/2017. Sau khi đạt đỉnh vào ngày 1/3/2018, cổ phiếu HPG quay đầu giảm mạnh và hiện dao động quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu (giảm 37% từ đỉnh).

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (thứ hai từ phải qua) nâng ly cùng ông Don Lam (thứ hai từ trái qua) tại lễ niêm yết

Năm 2007, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 5.733 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 759 tỷ đồng. 10 năm sau, mức doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 46.161 tỷ đồng và 9.288 tỷ đồng. Đồng nghĩa doanh thu đã tăng gấp 8 lần, lợi nhuận tăng gấp 12 lần.

Cùng chuyên mục
Tin khác