Nghịch lý: Số người thất nghiệp giảm đột ngột lại là tình trạng ‘đáng báo động’ ở Nga

Hải Đăng - 25/12/2023 10:40 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng này tự hào tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp của Nga đạt mức thấp lịch sử là 2,9%, các chuyên gia lại coi số lượng người thất nghiệp giảm đột ngột ở Nga là đáng báo động.

Thiếu hụt gần 5 triệu lao động

Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) cho thấy nền kinh tế Nga đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Tính đến cuối năm 2023, Nga sẽ thiếu khoảng 4,8 triệu lao động.

Theo ước tính, Nga sẽ thiếu khoảng 4,8 triệu lao động đến cuối năm 2023.

Izvestia dẫn lời tác giả nghiên cứu Nikolai Akapkin cho biết tình trạng thiếu lao động ở Nga đã tăng mạnh vào năm 2022 và 2023. Dữ liệu chính thức cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng trong tổng lực lượng lao động đã tăng lên 6,8% vào giữa năm 2023, tăng từ mức 5,8% một năm trước đó.

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố tình trạng khan hiếm lao động là vấn đề chính mà nền kinh tế phải đối mặt. 

Bộ trưởng Lao động Anton Kotykov cho hay tình trạng thiếu lực lượng lao động đang diễn ra nghiêm trọng trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và vận tải, buộc các công ty phải tăng lương để cố gắng thu hút thêm nhân viên.

Tình trạng thiếu lao động được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới, vì những vị trí tuyển dụng cho công nhân nhà máy, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên và các ngành nghề khác sẽ đặc biệt khó lấp đầy.

Ông Aleksandr Safonov, giáo sư Tâm lý học và Phát triển nguồn nhân lực tại Đại học Tài chính Nga, chia sẻ với Izvestia rằng tình trạng thiếu lao động dẫn đến việc các doanh nghiệp không thể sản xuất khối lượng hàng hóa và dịch vụ cần thiết, khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm và đẩy nhanh lạm phát.

Ông dự đoán rằng trong năm tới, tình trạng thiếu lao động sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở những ngành có mức lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn và nằm ở vùng sâu vùng xa.

Ở mức đánh giá có phần giảm nhẹ hơn, công ty tư vấn Ykov & Partners (trước đây là công ty con ở Nga của McKinsey & Company, một trong Big Three) đầu tháng này ước tính tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động ở Nga vào khoảng từ 2 đến 4 triệu lao động trong năm 2030.

Công ty này cũng đưa ra các ước tính khác nhau về những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng, nói rằng Nga sẽ thiếu tới 1,4 triệu lao động có trình độ cao nhất và lên tới 2,2 triệu lao động có trình độ cao.

Làn sóng di cư chưa giảm nhiệt

Hàng trăm nghìn người Nga, bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin có trình độ cao, đã rời khỏi đất nước khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu tháng 2/2022.

Trong khi các công ty quốc phòng đang làm việc hết công suất để cung cấp cho lực lượng vũ trang, các ngành công nghiệp dân sự đang phải vật lộn để tìm nguồn lao động.

Năm ngoái, 300.000 nam giới bất ngờ được huy động để tòng quân. Hàng trăm ngàn người khác, hầu hết trong số họ là những thanh niên có học vấn, di cư ra nước ngoài để trốn lệnh động viên. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác phụ thuộc vào lao động có tay nghề cao.

Theo các chuyên gia, "sự di cư của dân số" sẽ khiến nền kinh tế Nga vỗn đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ càng khó phục hồi.

Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tháng đã nói với các phóng viên rằng nền kinh tế nước này vẫn ổn định, bất chấp các lệnh trừng phạt. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tỉ lệ thất nghiệp ở Nga ở mức 2,9% trong tháng 10, ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. 

Trước đó, ông Putin cũng đã nhiều lần chỉ ra tổng sản phẩm quốc nội ngày càng tăng của Nga là bằng chứng về sức khỏe kinh tế của nước này và sự thất bại của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng những con số này được củng cố bởi sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng.

Xem thêm >> Mỹ dọa ‘nghỉ chơi’ với các ngân hàng quốc tế giao dịch với Nga

Theo Reuters, Izvestia
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.