Người Trung Quốc mất niềm tin vào Huawei vì scandal bắt giam nhân viên

Phúc Thịnh - 06/12/2019 08:11 (GMT+7)

Sự ủng hộ của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho Huawei sau vụ công ty này bị Mỹ cấm vận bỗng chốc tan biến sau khi bài phỏng vấn một nhân viên lâu năm bị bắt giữ được đăng tải.

VNF
Người Trung Quốc đòi tẩy chay Huawei

Đã tròn một năm trôi qua kể từ khi bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính Huawei và là con gái người sáng lập Nhậm Chính Phi - bị bắt tại Canada vì cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ lên Iran.

Ngày 2/12, bà Mạnh đã đăng tâm thư chia sẻ những tháng ngày bị quản thúc tại Canada, cách bà trải qua nỗi sợ hãi, đau đớn, thất vọng, bất lực, dằn vặt và chấp nhận. Phần lớn bức thư của bà Mạnh nói về sự giúp đỡ, ủng hộ từ đồng nghiệp, bạn bè và người dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau sự ủng hộ ban đầu, bà Mạnh bị cộng đồng mạng Trung Quốc phản ứng dữ dội. Tại quê nhà, bà được ví như "công chúa" vì là con gái của nhà sáng lập Huawei.

Bà Mạnh Vãn Châu bị quản thúc ở Canada. Ảnh: Canadian Press. 

Đều bị bắt giam, nhưng không công bằng

Mới đây, trên mạng xã hội Weibo xuất hiện hàng loạt bình luận chứa những con số 985, 996, 251 và 404, tất cả đều liên quan đến một cựu nhân viên Huawei tên Li Hongyuan.

Cụ thể, 985 ám chỉ chương trình học tập dành cho sinh viên các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, nơi mà Hongyuan đã tham gia. Tại Huawei, Hongyuan làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày liên tục (số 996).

Khi nhân viên này đòi hỏi gói trợ cấp nghỉ việc, Huawei đã báo cảnh sát, tố Hongyuan tống tiền khiến anh bị bắt giam trong 251 ngày, từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2019. Sau khi được thả, Hongyuan nhận khoản tiền đền bù 15.000 USD. Cảnh sát không thể có bằng chứng cho rằng anh tống tiền công ty cũ.

Bài phỏng vấn kèm câu chuyện của Li Hongyuan đăng tải ngày 2/12 được lan truyền khắp Trung Quốc, tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội. Ngay sau đó, toàn bộ bài viết, bình luận liên quan đến vụ việc bị gỡ bỏ dẫn đến lỗi 404.

Câu chuyện của Hongyuan khiến mọi chỉ trích đổ dồn về Huawei. Cùng thời điểm đó, bức thư của Mạnh Vãn Chu xuất hiện. Trong thời gian chờ dẫn độ về Mỹ, bà Mạnh bị quản thúc trong căn nhà 6 phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi tại Vancouver (Canada).

Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Huawei nhận được sự ủng hộ lớn của người Trung Quốc. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đang suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: Getty Images.

"Một người tận hưởng ánh nắng Canada, người kia phải chịu cảnh tù tội, lạnh lẽo trong phòng giam Thâm Quyến", nhà tâm lý học Jiang Feng bình luận trên Zhihu, website hỏi đáp giống Quora.

Sau khi bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách đen, Huawei nhận được sự ủng hộ to lớn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong hoàn cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang, nhiều người Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ iPhone để chuyển sang dùng điện thoại Huawei.

Tuy nhiên, sau khi câu chuyện bị bắt oan của Hongyuan và bức thư của bà Mạnh xuất hiện, nhiều người Trung Quốc bắt đầu quay lưng lại với Huawei, thậm chí đưa ra lời lẽ cay nghiệt về công ty này.

Công ty "máu lạnh", "phi nhân tính"

Không ít người nhận định vụ bà Mạnh và nhân viên Li Hongyuan cho thấy sự khác biệt giữa tầng lớp thượng lưu và người bình dân tại Trung Quốc. "Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng nếu học hành tốt, làm việc tích cực và ít quan tâm những gì xảy ra xung quanh, họ sẽ thực hiện được 'giấc mộng Trung Quốc'. Tuy nhiên, ước mơ đó đã tan vỡ", một blogger cay đắng viết.

Li Hongyuan là nhân viên của Huawei trong 12 năm. Khi nghỉ việc vào tháng 3 năm ngoái, ông yêu cầu được công ty trả gói hỗ trợ trị giá 48.000 USD. Tuy nhiên Hongyuan đã khởi kiện Huawei vào tháng 11/2018 vì không nhận được khoản tiền thưởng như lời hứa.

Một tháng sau, Hongyuan bị cảnh sát Thâm Quyến bắt giữ với cáo buộc tiết lộ bí mật thương mại, sau đó bị giam vào tháng 1 năm nay vì cáo buộc tống tiền. Tháng 8 vừa rồi, anh được thả tự do mà không phải trả khoản phạt nào.

Một dây chuyền sản xuất của Huawei tại Đông Quản (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images.

Trong thông cáo chính thức, Huawei khẳng định công ty này không có lỗi, thậm chí thách thức ông Hongyuan chứng minh rằng mình bị oan.

"Huawei có quyền và nghĩa vụ báo cáo bất cứ hành vi bất hợp pháp cho chính quyền nếu nghi ngờ. Chúng tôi tôn trọng quyết định của chính quyền. Nếu Li Hongyuan tin rằng mình bị thiệt, anh ta có thể tìm kiếm sự công bằng thông qua pháp lý, thậm chí khởi kiện Huawei".

Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc dùng những từ như "máu lạnh" hay "kiêu ngạo" sau khi đọc tuyên bố của Huawei.

Jiang Jingjing là blogger công khai chỉ trích Huawei vì chà đạp lên quyền lợi nhân viên. "Khi một công ty trở nên máu lạnh, phi nhân tính, nó có nên tồn tại không?", ông này đặt câu hỏi.

Theo New York Times, Huawei từ lâu đã "nuôi dưỡng một nền văn hóa chó sói khi khuyến khích nhân viên làm việc vô cùng cực nhọc".

Khi mới vào Huawei làm việc, các nhân viên được phát giường, nệm để ngủ tại công ty vì họ sẽ phải làm rất nhiều. Hơn 10 năm trước, cái chết của hàng loạt nhân viên khiến văn hóa làm việc của Huawei bị chỉ trích nghiêm trọng. Một báo cáo cho biết có khoảng 6 nhân viên Huawei chết trong 2 năm, 4 trong số đó do tự tử.

Người Trung Quốc đòi tẩy chay Huawei

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm với Huawei, công ty này được xem là đại diện cho sức mạnh Trung Quốc, là mục tiêu của Mỹ để hủy hoại kinh tế Trung Quốc.

Khi bà Mạnh bị bắt và chiến tranh thương mại diễn ra, Huawei vẫn không có dấu hiệu suy sụp. Trong quý gần nhất, doanh số smartphone của Huawei tại Trung Quốc tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Apple và các đối thủ khác đều suy giảm.

Bây giờ, cộng đồng mạng Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay Huawei. Trên Twitter, ảnh chế sản phẩm còng tay Huawei đang lan truyền với thông điệp "mang đến chỗ ở, thức ăn miễn phí" ám chỉ cuộc sống trong tù.

Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu lo sợ rằng họ sẽ bị bắt giống Li Hongyuan. Họ chia sẻ những bài báo chia sẻ về cuộc sống trong tù đặc biệt là tại nhà tù Longgang ở Thâm Quyến, nơi Hongyuan bị giam trong 8 tháng.

Một số người dùng chia sẻ bài blog dài 3 phần được viết bởi một lập trình viên, người dành hơn một năm trong trại giam để viết game và phần mềm đánh bạc. Bài viết chia sẻ chi tiết cuộc sống trong không gian 32 m2 chứa 55 người, nơi mà họ ăn ở mỗi ngày.

Bức tâm thư của bà Mạnh trên Weibo nhận hơn 1.400 bình luận, đa số chỉ gõ số 251, số ngày mà Hongyuan bị giam. "Một công ty quá lớn để nhận chỉ trích còn đáng sợ hơn công ty quá lớn để sụp đổ", ông Nie Huihua, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Nhân Dân (Bắc Kinh, Trung Quốc) nhận định.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác