Nhận 7,6 triệu USD từ Mekong Capital, Đá quý Bến Thành có thoát lỗ?

An Lan - 06/05/2017 13:27 (GMT+7)

(VNF) - Sau thương vụ thành công với Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital vừa thông báo đầu tư tiếp 7,6 triệu USD vào Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá Quý Bến Thành (BTJ) thông qua quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III).

Mekong Capital vừa công bố quỹ thành viên Mekong Enterprise Fund III (MEF III) cam kết đầu tư 7,6 triệu USD vào Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Bến Thành (BTJ). Với khoản đầu tư này, BTJ sẽ phát triển hệ thống bán lẻ trang sức quý hoàn toàn mới với thương hiệu Precita.

BTJ là một trong 31 doanh nghiệp thành viên trực thuộc Tổng Cty Bến Thành (BenThanh Group). Công ty hiện có 7 cửa hàng tại các khu vực trung tâm TP. HCM.

Trước khi đầu tư vào doanh nghiệp ngành bán lẻ vàng bạc đá quý này, Mekong Capital đã từng có khoản đầu tư vào Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ, tuy nhiên đã thoái toàn bộ vốn trong năm 2016 sau 9 năm đầu tư.

Đây cũng là khoản đầu tư thứ tư của MEF III, sau các khoản đầu tư vào chuỗi nhà hàng Wrap & Roll, Công ty Cổ phần Thương mại ABA và Công ty Cầm đồ F88.

Khi thương vụ này được công bố thì quỹ MEF III thông qua công ty con đã là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp vàng bạc đá quý này từ trước. 

Theo cơ cấu cổ đông của BTJ, cổ đông lớn nhất công ty hiện tại lại là một đơn vị nước ngoài, Vitorance – một doanh nghiệp của Singapore, sở hữu 71 triệu cổ phần, tương đương 59,66% vốn điều lệ. Vitorance hiện cũng là công ty con của Mekong Enterprise Fund III. Trong khi đó, Tổng Công ty Bến Thành chỉ còn sở hữu 7,6% và 62 cổ đông cá nhân sở hữu hơn 20% vốn.

Ông Christopher E. Freund – Tổng giám đốc của Mekong Capital hiện đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của BTJ. Ngoài ra, bà Trương Thị Diệu Lê và ông Joe Lobbato - nhân sự của Mekong Capital hiện cũng nằm trong HĐQT BTJ.

Về hoạt động kinh doanh của BTJ, công ty liên tục ghi nhận kết quả thua lỗ. Năm 2015, BTJ đạt doanh thu 122 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 6,5 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 vừa tổ chức cuối tháng 4/2017, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 cho thấy BTJ chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn.

Kết thúc năm 2016, doanh thu BTJ đạt hơn 139 tỷ đồng, tăng 14%, tuy nhiên giá vốn tăng lên gần 132 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế là âm hơn 26 tỷ đồng, tăng trưởng âm hơn 300% so với năm trước.

Kết quả thua lỗ có thẻ đến từ việc năm 2016, BTJ đã thực hiện nhiều cải cách kinh doanh như cải tạo cửa hàng 166 Lê Thánh Tôn và Parkson Hùng Vương vào tháng 12/2016, chuyển đổi từ cửa hàng vàng truyền thống sang phong cách của các thương hiệu đồ trang sức nhằm thiết lập lại thương hiệu BTJ và hút khách mới.

Công ty cũng mua lại nhà máy mới Bảo Ngọc và chuyển đổi nhà máy sang làm cơ sở dịch vụ hậu mãi để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Precita; đầu tư vốn vào phòng thí nghiệm Bến Thành,...

Theo lãnh đạo BTJ, năm 2017, công ty sẽ thực hiện "cú lột xác" bằng các hoạt động như cải tạo lại cửa hàng 312 Hai Bà Trưng vào tháng 3/2017, đồng thời đóng cửa hàng Parkson Hùng Vương vì chuỗi Trung tâm Parkson không hoạt động và ít khách tham quan mua sắm. BTJ cũng kết thúc hoạt động kinh doanh bán sỉ và tập trung và kinh doanh bán lẻ.

Vàng bạc đá quý Bến Thành sẽ cho khai trương cửa hàng Precita đầu tiên tại 44 Lê Lợi và sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo. Dự kiến trong năm 2017, BTJ sẽ mở 10 cửa hàng tại TPHCM, cho ra mắt các kênh truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, Instagram để thu hút người dùng. BTJ cũng có kế hoạch mở trang thương mại điện tử để bán các sản phẩm mang thương hiệu Precita. BTJ lên kế hoạch tung ra thị trường các sản phẩm "không dễ có" ở thị trường Việt để tạo ra một xu hướng bán hàng giúp công ty cạnh tranh với các đối thủ.

Với nhiều hoạt động "thay máu" như vậy, Đá quý Bến Thành dự kiến doanh thu 2017 đạt gần 122 tỷ đồng, thấp hơn năm trước, lợi nhuận dự kiến âm tới hơn 58 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016 dù giá vốn chỉ ở mức hơn 76 tỷ đồng.

Tags:
Cùng chuyên mục
Tin khác