'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế toàn cầu. Phương thức thanh toán này đem lại nhiều tiện ích cho người dùng và phù hợp với xu thế số hóa của xã hội, như chủ trương phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Tài chính, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào đã chia sẻ những tác động của phương thức TTKDTM đối với nền kinh tế số của Việt Nam.
- Bà đánh giá thế nào về tiến trình phát triển TTKDTM tại Việt Nam sau 2 năm triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025?
Bà Winnie Wong: Kể từ khi triển khai Quyết định số 1813, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt. Chính phủ cùng với ngành ngân hàng và các bên liên quan khác đã phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy TTKDTM. Các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính đã triển khai các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các lợi ích của việc TTKDTM. Bên cạnh đó, các tổ chức ngân hàng, công ty Fintech và các nhà cung cấp công nghệ thanh toán liên tục giới thiệu các công nghệ và giải pháp kỹ thuật số mới để cải thiện cơ sở hạ tầng thanh toán.
Kết quả của nỗ lực chung này là sự tăng trưởng ấn tượng trong việc áp dụng TTKDTM. Tính đến tháng 1/2024, giao dịch TTKDTM tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hơn 90% giao dịch tại Việt Nam hiện nay được thực hiện trên kênh số, với các hình thức như thanh toán qua Internet và mobile banking đều cho thấy mức tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, thanh toán qua QR Code tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị.
Nhằm đáp ứng xu hướng ưu tiên TTKDTM của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đã triển khai đa dạng các loại hình thanh toán online và tại quầy, phù hợp với nhu cầu của người dùng. Không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, điều này còn góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để hướng tới trở thành một quốc gia không tiền mặt. Đặc biệt ở các khu vực nông thôn, người dân vẫn phụ thuộc vào tiền mặt trong giao dịch hàng ngày và mua sắm giá trị thấp. Một số cá nhân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, cũng như thiếu kiến thức để chuyển đổi sang các phương thức TTKDTM. Để tận dụng hết tiềm năng của nền kinh tế không tiền mặt, cần có sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan nhằm thiết lập một hệ sinh thái thanh toán toàn diện cho tất cả mọi người.
- Theo bà, đâu là các yếu tố tiên quyết đối với sự phát triển của các phương thức thanh toán mới tại Việt Nam?
Sự phát triển của các phương thức thanh toán mới tại Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đầu tiên, Việt Nam có dân số trẻ, với độ phổ cập Internet và tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao, giúp thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ thanh toán mới. Người tiêu dùng Việt Nam cho thấy sự tích cực và nhiệt tình đối với việc sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số, nhờ tính tiện lợi, tốc độ và an toàn.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam ưu tiên chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Chính phủ tập trung vào cải thiện trình độ hiểu biết kỹ thuật số và sử dụng thành thạo Internet trong xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thói quen TTKDTM và tài chính toàn diện.
Thứ ba, Chính phủ tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích hợp tác đa phương giữa các công ty khởi nghiệp fintech, các tổ chức tài chính truyền thống và các nhà cung cấp công nghệ thanh toán. Các mối quan hệ hợp tác này tận dụng được sự linh hoạt và sáng tạo của các công ty khởi nghiệp fintech, hiểu biết về thị trường và niềm tin của người tiêu dùng vào các ngân hàng truyền thống, cũng như các công nghệ tiên tiến của các nhà cung cấp công nghệ thanh toán. Từ đó, cải thiện hệ sinh thái thanh toán, phát triển và nhân rộng quy mô các giải pháp thanh toán mới.
Cuối cùng, thị trường Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến sự xuất hiện của đa dạng các giải pháp thanh toán, bao gồm ví điện tử, qua QR Code và ví điện tử quốc tế. Những giải pháp này mang đến sự tiện lợi và hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái thanh toán tại Việt Nam.
Trong tương lai, công nghệ mã hóa kỹ thuật số (tokenization) và sinh trắc học (biometrics) được dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các phương thức thanh toán tại Việt Nam. Mã hóa kỹ thuật số sẽ cho phép các ví điện tử tương lai tổng hợp các hình thức nhận dạng và thông tin thanh toán, trong khi sinh trắc học dự kiến sẽ cải thiện tính an toàn và tăng tốc quá trình thanh toán.
Nhìn chung, sự kết hợp nhiều yếu tố như sở thích của người tiêu dùng, sự hỗ trợ của Chính phủ, sự hợp tác giữa các đối tác trong ngành cùng với các tiến bộ trong công nghệ… sẽ thúc đẩy sự phát triển của các phương thức thanh toán mới tại Việt Nam.
- Như bà đã đề cập, có thể thấy TTKDTM không còn là một hiện tượng mới nổi mà đã trở thành một xu hướng đối với người tiêu dùng Việt Nam. Bà nghĩ sao về ảnh hưởng của xu hướng này đối với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng nền kinh tế số?
Xu hướng TTKDTM ngày càng phát triển tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu xây dựng nền kinh tế số của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển dịch sang một hệ sinh thái tài chính hiệu quả và toàn diện hơn.
Số hóa nền kinh tế thông qua TTKDTM tạo động lực cho sự phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy tài chính toàn diện, hiệu quả và đổi mới sáng tạo. Chiến lược này không chỉ đưa những cá nhân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc ít tiếp cận dịch vụ ngân hàng vào hệ sinh thái tài chính, mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh. Nhờ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn đối với các phương thức thanh toán cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn và tín dụng tốt hơn, thanh toán kỹ thuật số trao quyền cho người tiêu dùng và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.
Số hóa cũng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Xu hướng sử dụng thẻ ngày càng tăng đã góp phần vào gia tăng tiêu dùng và tăng trưởng GDP. Khía cạnh này đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Một chương trình số hóa toàn diện sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hoạt động kinh tế, thúc đẩy sự đổi mới và tham gia vào nền kinh tế số.
Tổng kết lại, ý nghĩa của TTKDTM đối với việc xây dựng nền kinh tế số nằm ở khả năng khuyến khích tài chính toàn diện, hiệu quả và đổi mới sáng tạo, đồng thời hỗ trợ sự phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.
- Mastercard có những sáng kiến gì để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam?
Mastercard đã thực hiện nhiều sáng kiến để thúc đẩy nền kinh tế số và hỗ trợ kinh tế toàn diện. Đầu tiên, chúng tôi hợp tác với nhiều bên liên quan, bao gồm các tổ chức phát hành thẻ truyền thống, các cơ quan, ban ngành thuộc Chính phủ, các công ty Fintech và các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động, để cung cấp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số cơ bản cho những nhóm người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc ít tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Sáng kiến Thẻ thông minh sinh trắc học “Community Pass” của chúng tôi cung cấp một cơ sở hạ tầng tương tác dựa trên một danh tính kỹ thuật số chung, cho phép người dùng truy cập vào các dịch vụ tài chính cơ bản kể cả ở các khu vực hẻo lánh.
Thứ hai, Mastercard xác định an toàn và bảo mật là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số. Đó là lý do tại sao chúng tôi liên tục phát triển và đầu tư vào một loạt các giải pháp an ninh mạng, vận dụng các công nghệ như dữ liệu xác minh danh tính, máy học (machine learning), phân tích hành vi và trí tuệ nhân tạo, để mang đến các tiến bộ trong công nghệ, giúp các tổ chức tín dụng có thể bảo vệ người dùng, giao dịch và thiết bị vận hành doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng việc nâng cao tiêu chuẩn an ninh sẽ giúp củng cố niềm tin của người dùng trong hệ sinh thái số, tạo ra một nền kinh tế số an toàn và hoà nhập cho tất cả mọi người.
Thứ ba, các giải pháp thương mại của chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Chúng tôi giúp họ thanh toán và tiếp nhận thanh toán một cách an toàn, truy cập vốn và số hóa hoạt động kinh doanh. Ví dụ, “thẻ trả góp Mastercard cho doanh nghiệp” cho phép các doanh nghiệp MSME tận dụng việc thanh toán thẻ tín dụng và quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn.
Để giúp các doanh nghiệp nhỏ (SME) chấp nhận TTKDTM và nâng cao trải nghiệm thanh toán tại cửa hàng, Mastercard đã phát triển giải pháp chấp nhận thanh toán chi phí thấp như “SoftPos”, cho phép các doanh nghiệp SME biến chiếc điện thoại thông minh thông thường thành một thiết bị chấp nhận thanh toán ngay tại điểm bán hàng, chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. “SoftPos” hiện đã được triển khai ở một số quốc gia ở châu Á bao gồm thị trường Việt Nam. Việc càng nhiều doanh nghiệp chấp nhận TTKDTM sẽ giúp đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng thanh toán số.
Ngoài ra, chúng tôi cũng không ngừng nỗ lực và xây dựng các dự án thiện nguyện, nhằm củng cố hệ sinh thái dành cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp. Các chương trình như “cộng đồng Strive” và “doanh nghiệp nhỏ, ước mơ lớn” kết hợp cùng đối tác Grab cung cấp các khóa học kinh doanh trực tuyến và tài nguyên cho những cá nhân mong muốn khởi nghiệp, giúp họ số hóa hoạt động kinh doanh cũng như tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Thêm nữa, chúng tôi cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tại Việt Nam, chúng tôi hợp tác với CARE International để mang đến các dịch vụ tài chính phù hợp cho phụ nữ và giúp các nữ doanh nhân phát triển hoạt động kinh doanh. Đặt mục tiêu hỗ trợ 25 triệu nữ doanh nhân trên toàn cầu, thế nhưng đến nay, chúng tôi đã vượt kế hoạch và đưa con số đạt tới 27 triệu người trước thời hạn.
Là một đối tác thanh toán toàn cầu đáng tin cậy, Mastercard cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam và tầm nhìn hướng tới nền kinh tế số. Vận dụng kiến thức chuyên môn và nguồn lực trong lĩnh vực công nghệ thanh toán, chúng tôi đặt mục tiêu đóng góp vào việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ và các dịch vụ tài chính toàn diện tại Việt Nam, đảm bảo cơ hội tiếp cận tài chính bình đẳng cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng để cùng nhau phát triển mạnh mẽ.
- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.