'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Xe điện Trung Quốc 'oanh tạc' châu Âu
Ngành công nghiệp xe điện đã được Trung Quốc đưa vào quy hoạch kinh tế từ rất sớm khi công bố hai chính sách đặc biệt trong năm 2012 và 2021 để thúc đẩy điện khí hóa ngành ô tô. Nếu vào năm 2014, Mỹ là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, sau đó là Trung Quốc, Hà Lan, Na Uy và Pháp thì đến năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên vị trí dẫn dầu khi doanh số xe điện tăng 238% chỉ trong 1 năm.
Tới năm 2016, số lượng xe điện mà người tiêu dùng Trung Quốc đã mua nhiều hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại. Quốc gia này tiếp tục chiếm hơn một nửa doanh số toàn cầu vào năm 2021.
Có được những con số ấn tượng này là nhờ những chính sách trợ cấp hiệu quả của Bắc Kinh. Trong giai đoạn 10 năm, từ 2012-2022, mỗi người mua xe đều được hoàn trả số tiền lên tới hơn 8.300 USD. Sau năm 2022, chính phủ ngừng trợ cấp giá nhưng một số địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng bằng các khoản hoàn tiền hơn 1.300 USD.
Khoản thuế 10% giá trị cũng được chính phủ bỏ qua đối với những người mua xe điện có giá trị dưới 41.000 USD cho tới hết năm 2025 và sẽ trở lại mức thuế 5% trong các năm 2026 – 2027. Trung Quốc đã áp dụng chính sách này từ năm 2014, trong khi phải tới năm 2022, chính phủ Mỹ mới có ưu đãi cho người mua xe điện. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện như mạng lưới trạm sạc, hệ thống bảo trì, bảo dưỡng… đã khiến người dân hào hứng hơn với việc mua xe điện. Tới cuối tháng 5/2023, toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc có 6,36 triệu trạm sạc xe điện, chiếm tỷ lệ lớn nhất thế giới.
Không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc còn có các chính sách cực kỳ đãi ngộ cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện xanh này, khiến cho quốc gia này bùng nổ với hơn 500 doanh nghiệp xe điện khởi nghiệp.
Theo Auto News, tính đến năm 2021, Trung Quốc đã tung ra các ưu đãi lên tới hàng trăm tỷ USD cho xe điện. Hồi tháng 6 vừa qua, nước này đã giới thiệu thêm nhiều khoản trợ cấp khác cho xe 'xanh'. Gói mới nhất trị giá 520 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ USD) dự kiến được giải ngân trong 4 năm.
Ngoài ra, việc sở hữu nguồn đất hiếm và các nguyên liệu, linh kiện quan trọng khác đã mang lại cho Bắc Kinh lợi thế rõ rệt về chi phí khi đặt cạnh các quốc gia phụ thuộc nhiều vào linh kiện và nguyên liệu thô nhập khẩu. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn dẫn đầu thế giới về công nghệ pin, được xem là yếu tố sống còn của ngành xe điện.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội xe chở khách Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu gần 350.000 xe điện sang 9 nước châu Âu trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn lượng xuất khẩu của cả năm 2022. Và trong 5 năm qua, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp 4 lần.
Theo ước tính gần đây của UBS, đến năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể chứng kiến thị phần của họ trên thị trường toàn cầu tăng gấp đôi từ 17% lên 33%, trong đó các công ty châu Âu bị mất thị phần lớn nhất.
Ngoài châu Âu, các thương hiệu Trung Quốc cũng ghi nhận doanh số bán ô tô tăng vọt tại các thị trường từ Australia, Trung Đông đến Mỹ Latin. Thị trường duy nhất mà ô tô Trung Quốc chiếm thị phần không đáng kể và dự kiến sẽ không giành được chỗ đứng là Mỹ.
EU không thể làm ngơ
Lĩnh vực xe điện đã trở thành nền tảng trong chính sách môi trường của EU, bằng chứng là việc áp dụng chiến dịch đầy tham vọng 'Fit for 55' nhằm đạt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải ô tô và giảm 50% lượng khí thải xe tải vào năm 2030. Chính sách này tiếp tục được củng cố bởi cam kết cấm toàn bộ các loại ô tô mới chạy bằng xăng và dầu vào năm 2035.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc xe điện Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện tại thị trường châu Âu được xem là 'mối đe dọa nghiêm trọng' đối với EU do nhu cầu ngày càng tăng của chính họ đối với xe điện. Những chiếc xe điện rẻ hơn và nhỏ hơn có nguồn gốc từ Trung Quốc dường như phù hợp hơn với các mục tiêu của khuôn khổ 'Fit for 55'.
EU đã tung ra loạt chính sách và đề xuất pháp lý nhằm thúc đẩy khả năng tự cung cấp xe điện bằng cách giải quyết tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu. Các nỗ lực của EU tập trung vào việc bảo vệ thị trường nội địa và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc ô tô Trung Quốc tràn vào thị trường rộng lớn này.
Các cuộc thảo luận về các biện pháp áp dụng thuế quan đã được tiến hành ngay cả trước khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố một cuộc điều tra về sự hỗ trợ của nhà nước đối với xe điện đến từ Trung Quốc hồi tháng 9.
Cuộc điều tra dự kiến kéo dài một năm, tập trung vào những chiếc xe điện chạy bằng pin (BEV) mới được thiết kế để chở 9 người trở xuống (bao gồm cả tài xế). Thông báo không nêu tên các nhà sản xuất cụ thể, nhưng cuộc điều tra được cho là sẽ tập trung vào tất cả nhà sản xuất tại Trung Quốc có hàng xuất khẩu sang EU, bao gồm Tesla Inc. và các thương hiệu lớn của Trung Quốc như BYD Co., SAIC Motor Corp. và Nio Inc.
Kết quả của cuộc điều tra có thể xác định liệu liên minh 27 nước này có tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc hay không. Hiện tại, mức thuế đối với xe điện Trung Quốc đang là 10% ở châu Âu và 27,5% ở Mỹ. Không chỉ mức thuế thấp hơn, mà mọi loại xe, bao gồm cả nước ngoài và nội địa, đều có thể hưởng các chính sách hỗ trợ như nhau dành cho xe điện tại châu Âu, trong khi không phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nguồn pin và linh kiện, địa điểm lắp ráp cuối như tại Mỹ.
Theo các chuyên gia, EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của xe điện Trung Quốc. Nếu EU áp thuế, những thị trường khác (ví dụ như Anh) cũng sẽ có hành động tương tự.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã so sánh những gì đã xảy ra trong quá khứ với ngành năng lượng mặt trời châu Âu và những gì có thể xảy ra trong tương lai với ngành ô tô châu Âu, cả hai đều phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác Trung Quốc.
'Chúng tôi không quên các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của chúng tôi như thế nào. Nhiều doanh nghiệp trẻ đã bị lép vế trước các đối thủ cạnh tranh được trợ giá của Trung Quốc. Các công ty tiên phong đã phải nộp đơn xin phá sản. Những tài năng đầy hứa hẹn đã đi tìm vận may ở nước ngoài. Đây là lý do tại sao sự công bằng trong nền kinh tế toàn cầu lại rất quan trọng, bởi vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế', bà Leyen nhấn mạnh trong buổi công bố cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi Pháp thúc đẩy Brussels thực hiện hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Mỹ.
Nỗ lực của Pháp cũng đã nhận được sự ủng hộ của các nhà chức trách Ý. Tuy nhiên, chủ tịch hiệp hội công nghiệp ô tô Ý cho rằng việc bây giờ mới tiến hành điều tra là đã quá muộn và lẽ phải tiến hành điều tra từ hơn 1 năm trước.
Lập trường của Đức có vẻ trái chiều khi Bộ Kinh tế nước này tán thành cuộc điều tra, trong khi các nhà sản xuất ô tô Đức lại bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc trả đũa và tác động tiêu cực mà chúng có thể gây ra đối với hoạt động thương mại của các nhà sản xuất ô tô Đức với Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lập luận rằng “đối với Pháp, đó không phải là vấn đề vì họ không bán nhiều ô tô trên thị trường Trung Quốc, và do đó sẽ ít thiệt hại hơn nếu căng thẳng leo thang dẫn tới các đòn ‘ăn miếng trả miếng’ tiềm tàng với Bắc Kinh về thuế ô tô”. Còn đối với Đức, thị trường Trung Quốc vô cùng quan trọng với những tập đoàn sản xuất ô tô lớn của nước này như Volkswagen, Daimler và BMW. Nếu Trung Quốc cũng dựng lên những rào chắn tương tự chống lại các hãng sản xuất châu Âu, những hãng này sẽ chịu tổn thất rất lớn.
Châm ngòi cuộc cạnh tranh thương mại?
Ngày càng có nhiều dấu hiệu đối đầu về thương mại giữa Brussels và Bắc Kinh từ vấn đề pin mặt trời, ống thép, thiết bị viễn thông và mới nhất là xe điện. Tình hình căng thẳng đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về khả năng chiến tranh thương mại bùng lên giữa hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đã tăng 8,6% lên 562 tỷ USD. Nhập khẩu từ EU vào Trung Quốc dù hạn chế hơn nhưng cũng đạt tới 285 tỷ USD.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án cuộc điều tra xe điện của EU, gọi đây là 'hành vi bảo hộ trắng trợn sẽ làm gián đoạn và bóp méo nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, gồm cả EU, đồng thời sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU'.
Trong cuộc gặp với ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis tại Bắc Kinh vào cuối tháng 9, Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong bày tỏ 'không hài lòng và quan ngại mạnh mẽ' về cuộc điều tra nhằm vào các loại xe điện giá rẻ của Trung Quốc.
Cả Mỹ và châu Âu đều đã và đang tăng cường sự cứng rắn trong lập trường đối với Trung Quốc và giữ quan điểm rằng các nguyên tắc của thương mại toàn cầu cần được áp dụng một cách bình đẳng. Tuy nhiên, trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng rạn nứt thì cho đến nay châu Âu và Trung Quốc vẫn duy trì một thái độ chừng mực trong các ngón đòn tấn công hay phản công.
Lần cuối cùng EU và Trung Quốc tiến gần đến một cuộc chiến thương mại là vào năm 2012, liên quan đến pin năng lượng mặt trời, dẫn tới việc châu Âu áp đặt mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa bằng cách đe dọa áp thuế lên rượu và xe sang. Mặc dù hai bên đã dàn xếp bằng một mức giá sàn đối với pin mặt trời, nhưng sự việc đó đã cho thấy rạn nứt trong chuỗi cung ứng của châu Âu trước một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Ở 'cuộc chiến' xe điện lần này, liệu Bắc Kinh có đáp trả hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Các quan chức ở Brussels vẫn khẳng định họ chỉ muốn 'giảm thiểu rủi ro' từ xe điện Trung Quốc mà không gây ra tình trạng kinh tế 2 bên tách biệt hoàn toàn.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp nguyên vật liệu thô và linh kiện lớn cho nhiều ngành công nghiệp của châu Âu, đồng thời là thị trường quan trọng của xe ô tô Đức. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu sẽ đứng trước nhiều rủi ro nếu đột ngột bị hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, không thể phủ nhận chính sách trợ cấp chỉ là một phần trong câu chuyện thành công của xe điện Trung Quốc.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Bắc Kinh chuẩn bị tung một loạt đòn thương mại để trả đũa châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi nền kinh tế số 2 thế giới đang tập trung xây dựng một hệ thống kinh tế của riêng mình (như BRICS) thay vì phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu như trước đây.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.