Nhật Bản: Xuất khẩu giảm do nhu cầu yếu đi từ Trung Quốc, đồng yen trượt giá kỷ lục

Minh Đăng - 17/08/2023 16:57 (GMT+7)

(VNF) - Nhật Bản vừa công bố kim ngạch xuất khẩu hàng tháng giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm, do nhu cầu yếu hơn ở các đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Đồng yen cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, làm mờ đi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

VNF
Đồng yen Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 0,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021, theo dữ liệu thống kê do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 17/8.

Trong đó, xuất khẩu sang châu Á giảm gần 37%. Xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, giảm 13,4%, ghi nhận tháng giảm thứ 8 liên tiếp, trong đó xuất khẩu ô tô, con chip và linh kiện chip đều giảm với tốc độ 2 con số.

Xu hướng này có thể tiếp tục duy trì vì nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng đuối sức. Quý II vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo, và sau đó, nền kinh tế này tiếp tục phát đi những số liệu ảm đạm, khiến giới chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo mức tăng trưởng cả năm 2023.

“Tôi nghĩ đối với Nhật Bản, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20% tổng xuất khẩu và châu Á là 50%, vì vậy cần theo dõi sát sao những gì đang xảy ra ở Trung Quốc”, ông Sayuri Shirai, một nhà kinh tế học tại Đại học Keio, đưa ra nhận định trong buổi phỏng vấn với CNBC.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang châu Âu tăng 12,4%.

“May mắn là tại thời điểm này, nhu cầu yếu đi của Trung Quốc được bù đắp hoàn toàn bằng sự gia tăng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, có rất nhiều điều không chắc chắn đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu”, ông Shirai nói.

Trong số các nhóm mặt hàng xuất khẩu của Nhật, mức giảm mạnh nhất trong tháng 7 thuộc về thiết bị sản xuất chip và linh kiện, trong khi xuất khẩu ô tô tăng.

Trong tháng 7, nhu cầu trong nước của Nhật Bản cũng không có sự cải thiện đáng kể nào khi kim ngạch nhập khẩu đã giảm 13,5%.

Cán cân thương mại tháng 7 của Nhật Bản rơi vào trạng thái thâm hụt, với mức thâm hụt 78,7 tỷ yen (538 triệu USD), sau khi thặng dư 43 tỷ yen (294 triệu USD) trong tháng 6.

Cùng với nhu cầu trong nước đang chững lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dường như không có động lực để rời bỏ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng nhằm phục hồi nền kinh tế.

Theo công bố của thị trường ngoại hối Tokyo, sáng 17/8, đồng nội tệ JPY của Nhật Bản tiếp tục giảm khi 1 USD đổi được 146 JPY, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Tỷ giá đồng yên đã chịu ảnh hưởng khi Cục dự trự Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố nội dung nghị sự liên quan đế chính sách tiền tệ, trong đó dự báo rủi ro của việc tăng lạm phát sẽ lớn, nên có khả năng sẽ tăng lãi suất ngân hàng.

Xem thêm >> Tính ‘xử đẹp’ Nga bằng đòn giáng kinh tế, phương Tây nhận về thất vọng

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.