Nhật Tân - Nội Bài: Trung tâm tài chính mới của Thủ đô Hà Nội

Hoàng Hùng - 13/12/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt, thành phố sẽ có 5 trục động lực. Trong đó, Nhật Tân - Nội Bài là trục động lực kinh tế, hình thành các trung tâm tài chính, ngân hàng phía Bắc Thủ đô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ được tổ chức hợp lý theo mô hình: Năm không gian phát triển - Năm hành lang và vành đai kinh tế - Năm trục động lực phát triển - Năm vùng kinh tế, xã hội - Năm vùng đô thị.

Cụ thể, đối với 5 không gian phát triển, sẽ được khai thác, sử dụng đồng bộ, hiệu quả và hợp lý. Trong đó, không gian trên cao cần chú trọng phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ; không gian ngầm dưới mặt đất phải chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật ngầm, giao thông ngầm, thương mại, dịch vụ; không gian công cộng: phát triển các công trình công cộng, không gian cây xanh, sân chơi, quảng trường và các sản phẩm văn hóa sáng tạo;

Về không gian văn hóa - sáng tạo, phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, các công trình văn hóa, không gian di tích lịch sử phục vụ người dân và khách du lịch, phát triển dịch vụ văn hóa. Còn về không gian số, thúc đẩy chuyển đổi số và chia sẻ thông tin, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, công dân số, đô thị thông minh.

Đường sắt tốc độ cao Đông Bắc Thủ đô

Đối với 5 hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô, được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, bao gồm: hành lang phía Bắc Thủ đô, hành lang kinh tế Đông Bắc Thủ đô, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Tây - Bắc, vành đai kinh tế vùng Thủ đô.

Trong đó, hành lang phía Bắc Thủ đô hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là tuyến hành lang kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc, kết nối Thủ đô với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng; kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Hình thành trung tâm logistics phía Bắc, tập trung phát triển thương mại, công nghiệp công nghệ cao, kết nối các tuyến du lịch Thủ đô với vùng văn hóa, lịch sử đất Tổ Vua Hùng tỉnh Phú Thọ, các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hành lang kinh tế Đông Bắc Thủ đô gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến hành lang đối ngoại quan trọng của quốc gia, kết nối với Quảng Tây, Trung Quốc. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, các dịch vụ logistics hiện đại gắn với cảng thủy nội địa Giang Biên và tuyến đường sắt tốc độ cao Đồng Đăng - Yên Viên - Cái Lân, kết nối các tuyến du lịch Thủ đô với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến hành lang kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng kết nối Thủ đô với các vùng động lực, trung tâm kinh tế lớn, tác động lan tỏa của cực tăng trưởng Thủ đô thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xây dựng trung tâm logistics cấp vùng, tiến tới cấp quốc gia, phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp hỗ trợ vận tải đường bộ, công nghiệp đường sắt.

Hành lang kinh tế Tây - Bắc gắn với hành lang kinh tế tỉnh Điện Biên Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội sẽ được phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; hình thành trung tâm đầu mối nông sản, phát triển chuỗi liên kết cung ứng - tiêu thụ nông sản; kết nối các tuyến du lịch của Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc.

Vành đai kinh tế vùng Thủ đô được hình thành dọc theo các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô. Tập trung kết nối phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và logistics của vùng Thủ đô, kết nối với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhật Tân - Nội Bài sẽ là trung tâm tài chính

Đối với 5 trục động lực, trục sông Hồng sẽ là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, trục kinh tế thương mại, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Đồng thời là trục không gian văn hóa sáng tạo, con đường di sản tái hiện lịch sử, văn hóa, lễ hội, giới thiệu cảnh quan đất nước con người của mọi miền Tổ quốc hai bên sông, kết nối với khu vực hồ Tây và phố cổ, hình thành không gian phát triển kinh tế ban đêm.

Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục không gian kết nối lịch sử và hiện tại, kết nối Cổ Loa với Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó là trục đại lộ - quảng trường, cầu vượt sông và các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục động lực kinh tế phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là trục đô thị thông minh, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Thủ đô Hà Nội và Việt Nam ra thế giới; nơi thu hút các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn nước ngoài đặt trụ sở. Cùng với đó, đây cũng sẽ là trung tâm tài chính, ngân hàng phía Bắc Thủ đô, trung tâm tổ chức các hội chợ triển lãm, thương mại mang tầm khu vực và quốc tế.

Trục Hồ Tây - Ba Vì: Là trục di sản văn hóa, kết nối trung tâm văn hóa khu vực Hồ Tây và vùng văn hóa Xứ Đoài; kết nối trung tâm Thủ đô với các khu di tích lịch sử cách mạng. Tập trung phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng. Xây dựng các công trình văn hóa mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô Hà Nội và đất nước.

Trục phía Nam là trục kết nối giữa đô thị trung tâm với khu vực dự kiến hình thành sân bay thứ hai vùng Thủ đô, thúc đẩy sự phát triển vùng huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức; là trục kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc - Bái Đính, khu vực di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần tỉnh Nam Định. Kết nối với các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh động lực phía Bắc vùng duyên hải miền Trung.

Năm vùng kinh tế - xã hội

Đối với năm vùng kinh tế - xã hội, sẽ có vùng trung tâm với 2 khu vực. Trong đó, khu vực nội đô lịch sử sẽ ưu tiên các hoạt động phục vụ khu vực hành chính quốc gia; khai thác, phát huy giá trị của di sản văn hóa, lịch sử, phát triển công nghiệp văn hóa, các hoạt động du lịch, dịch vụ và phát triển kinh tế đêm.

Khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng sẽ phát triển kinh tế đô thị tổng hợp; là trung tâm trung chuyển, phân phối hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khu vực nội đô.

Vùng phía Đông (gồm các quận/huyện Long Biên, Gia Lâm và phần đô thị của huyện Đông Anh) đóng vai trò cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh tiểu vùng phía Bắc vùng đồng bằng sông Hồng; trung tâm thương mại và đầu mối trung chuyển; trung tâm tài chính của Thủ đô.

Vùng phía Nam (gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức) tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm sản xuất cây, con giống; hình thành trung tâm logistics phía Nam của Thủ đô; phát triển công nghiệp phụ trợ giao thông, vận tải và công nghiệp đường sắt.

Vùng phía Tây (gồm các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây) sẽ là trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của Thủ đô và cả nước; phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Còn vùng phía Bắc (gồm huyện Sóc Sơn và Mê Linh và một phần huyện Đông Anh): Trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; khai thác giá trị của hệ sinh thái rừng, địa hình đồi núi, cảnh quan đẹp thuận lợi phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao quốc tế.

Phát triển năm vùng đô thị, gồm: vùng đô thị Trung tâm; vùng thành phố phía Tây; vùng thành phố phía Bắc; vùng đô thị phía Nam; vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì.

Cùng chuyên mục
Tin khác