Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được VPBank hỗ trợ tiếp cận vốn thành công

Ngân Thu - 13/10/2022 17:35 (GMT+7)

(VNF) - Đã có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (WE) được hỗ trợ tiếp cận vốn, cơ cấu khoản vay, gia hạn thời gian thanh toán gốc, đồng thời được hoàn trả một phần lãi vay từ chương trình hợp tác giữa ADB và VPBank, triển khai theo Hiệp định viện trợ không hoàn lại - trích từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi).

VNF

Nhờ những hỗ trợ thiết thực này, nhiều doanh nghiệp đã “hồi sinh” và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp nữ chủ khó tiếp cận vốn vay

Công ty TNHH Gia Vũ (Quy Nhơn, Bình Định) là một trong những công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực buôn bán xăng dầu, vận tải hàng hóa và buôn bán linh phụ kiện vận tải.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong cả nước, hoạt động kinh doanh của Gia Vũ cũng một thời lao đao vì Covid-19, dòng vốn gặp khó.

Khó khăn đã phần nào được giải quyết, giảm được áp lực tài chính khi Gia Vũ được VPBank – nơi công ty đang vay vốn, hỗ trợ cơ cấu lại thời gian trả nợ và được hỗ trợ trả lãi vay từ dự án hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với VPBank.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như Gia Vũ, vừa được vay vốn, vừa được hỗ trợ hoàn trả lãi vay khi gặp áp lực tài chính.

Trên thực tế, trong suốt hơn 2 năm diễn ra Covid-19, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp không chỉ là thị trường, mà còn là dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng. Doanh nghiệp bình thường đã khó, doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ còn khó hơn.

Theo thống kê của IFC năm 2020, Việt Nam hiện có gần 96.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (WE), phần lớn trong số này là doanh nghiệp siêu nhỏ, 42% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và chỉ có 1% là doanh nghiệp lớn.

Các doanh nghiệp WE thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp nam làm chủ, do đa số tập trung trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi suy thoái nền kinh tế (du lịch, bán lẻ, dịch vụ ăn uống…); lại kém nhạy bén thị trường, trong khi khả năng vay vốn không cao…

Một kết quả khảo sát được Mastercard công bố năm 2021 cho thấy, các doanh nghiệp WE chỉ nhận được 5% tổng khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Dưới tác động của Covid-19, có tới 87% nữ chủ doanh nghiệp đối mặt với tác động tiêu cực. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp WE có nguy cơ đóng cửa cao hơn 7% so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Hỗ trợ doanh nhân nữ tiếp cận vốn ngân hàng

Khó khăn như vậy, nhưng các doanh nghiệp WE lại ít nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu được cải thiện khi từ tháng 10 năm ngoái, khi ADB phối hợp với 5 ngân hàng Việt Nam, trong đó có VPBank, triển khai khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) trị giá 5 triệu USD đã hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Cụ thể, với các khoản vay mới, doanh nghiệp WE sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến 2%. Còn với doanh nghiệp đang có khoản vay hiện hữu, nếu được cơ cấu nợ kể từ ngày 12/4/2021, VPBank sẽ xem xét hỗ trợ tối đa 6 tháng tiền lãi vay, cao nhất là 230 triệu đồng, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, nhanh chóng khởi động sản xuất - kinh doanh. 

“Do quy mô vốn vay của chúng tôi với VPBank không lớn nên khoản hỗ trợ hoàn trả lãi vay chúng tôi nhận được chỉ hơn 57 triệu đồng. Không lớn, nhưng đó là sự hỗ trợ rất quý giá lúc Gia Vũ gặp khó khăn. Hiện nay, công ty đã duy trì hoạt động ổn định”, bà Lê Thị Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Gia Vũ nói.

Tương tự, bà Mai Phượng Anh, Tổng giám đốc thương hiệu thời trang Pantio, cũng đã nhận được hỗ trợ từ chương trình hợp tác của ADB và VPBank khi dịch Covid-19 lan rộng khiến hệ thống 50 showroom thời trang của thương hiệu này lâm cảnh “đóng băng” thậm chí buộc phải đóng cửa.

Theo đó, công ty đã được VPBank cơ cấu khoản vay, gia hạn thời gian thanh toán gốc, đồng thời được hoàn trả một phần lãi vay, với tổng số tiền lên đến trên 223 triệu đồng. Số tiền này đã được bà Mai Phượng Anh dùng để thanh toán chi phí lương cho nhân viên, phần nào giúp giảm gánh nặng tài chính.

“So với quy mô kinh doanh của chúng tôi, số tiền 223 triệu đồng không phải là quá lớn, nhưng đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no. Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của VPBank và ADB”, bà Phượng Anh nói và cho biết thêm hiện hoạt động kinh doanh của Pantio đã quay trở lại trạng thái bình thường.

Không chỉ Pantio, hay Gia Vũ, đã có rất nhiều doanh nghiệp nữ chủ khác nhận được sự hỗ trợ từ VPBank và ADB, với ngân khoản hỗ trợ lên tới hàng tỷ đồng. Tất cả đều bày tỏ sự vui mừng khi được cơ cấu khoản vay, hỗ trợ lãi suất, giảm áp lực tài chính vào lúc khó khăn nhất.

Thông tin cho biết, VPBank đang tiếp tục phối hợp với ADB nhân rộng chương trình này nhằm chung tay hỗ trợ cho nhiều hơn nữa các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.

Để tìm hiểu chi tiết về chương trình, bạn đọc có thể truy cập: https://www.vpbank.com.vn/uu-dai/sme/we-adb hoặc liên hệ tổng đài 1900 545415.

Không chỉ tiếp sức nguồn vốn, trong vài năm gần đây, VPBank còn hợp tác chặt chẽ với CARE Ignite xây dựng nhiều chương trình ý nghĩa mang đến cơ hội giúp doanh nghiệp NỮ CHỦ hưởng thêm những đặc quyền riêng như khóa học online cao cấp, công cụ đo lường sức khỏe doanh nghiệp, gói tài trợ xây dựng thương hiệu và truyền thông… giúp doanh nghiệp WE cải thiện kỹ năng, nâng cao kiến thức cũng như linh hoạt chuyển mình sau những cơn sóng kinh tế đầy biến động mà đại dịch Covid để lại.

Nổi bật có chương trình "Tiếp sức đường dài- Ngày mai thịnh vượng" được triển khai vào quý III/2022. Chi tiết tại: https://womenbiz-ignite.com.vn/

Cùng chuyên mục
Tin khác