Nhiều nhà khoa học đề nghị dừng khai thác Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh

Lê Quỳnh - 22/12/2018 08:37 (GMT+7)

Đề nghị chấm dứt hoạt động dự án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh là 1 trong 2 phương án mà các nhà khoa học đã đề xuất sau các phân tích so sánh giữa được và mất, lợi ích và thiệt hại, kinh tế và môi trường.

VNF
Nhiều nhà khoa học đề nghị dừng khai thác Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh.

Đề xuất này được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác Mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh” do Liên minh khoáng sản (do trung tâm Con người thiên nhiên – PanNature điều phối) và Hội Địa chất Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12.

Theo các nhà khoa học, việc chấm dứt hoạt động dự án sẽ phải chấp nhận bị mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra (1.589,59 tỷ đồng). Tuy nhiên, phương án này sẽ tránh được tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Đồng thời, việc không khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Các nhà khoa học kiến nghị cần đưa mỏ này vào dự trữ quốc gia (theo Điều 29, Luật Khoáng sản), để dành tài nguyên cho các thế hệ mai sau, đảm bảo phát triển bền vững Việt Nam (theo Chương trình nghị sự 21  đã công bố).

Bên cạnh phương án trên, một phương án khác cũng được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo, đó là tái khởi động dự án khai thác, tiếp nối những công việc đã làm, bất chấp những rủi ro, tác động rất xấu đến môi trường không khí, đất, nước, biển và an sinh xã hội… đã xảy ra trong thực tế lẫn được cảnh báo.

Các nhà khoa học cho rằng nếu theo phương án này, thì việc khắc phục các tác động xấu trên sẽ cần nhiều kinh phí, sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, không có hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, nếu theo phương án tái khởi động dự án, thì đề nghị trước khi khai thác cần chứng minh khả năng tài chính của công ty sắt Thạch Khê TIC; cần làm rõ thị trường tiêu thụ quặng; không xuất khẩu quặng thô (theo quy định của Đảng và Nhà nước); chọn công nghệ khai thác hiện đại do cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại; xây dựng đầy đủ luận cứ khoa học về bảo vệ nước ngầm trong cồn cát, chống xâm nhập mặn, ngăn ngừa hoang mạc hóa; bảo vệ môi trường biển khi đổ thải; đề xuất giải pháp thực tế đảm bảo người dân có ruộng đất canh tác, đảm bảo an sinh xã hội trên vùng đất Hà Tĩnh nghèo khó.

Được biết năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập ngày 17/5/2007 gồm 9 cổ đông với vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cổ đông chủ lực.

Năm 2009, Công ty TIC bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ năm 2011 hoạt động khai thác mỏ Thạch Khê đã tạm dừng theo chỉ đạo của Nhà nước.

Gần đây Công ty sắt Thạch Khê TIC có kế hoạch xin Nhà nước cho phép tái khởi động việc khai thác mỏ sắt này. Tuy nhiên, việc này đã vấp phải rất nhiều ý kiến khác nhau về lợi ích và rủi ro kinh tế, xã hội và môi trường khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Theo Người đô thị
Cùng chuyên mục
Tin khác