Nhiều nước lên tiếng về tình hình căng thẳng trên Biển Đông
Lê Anh -
30/08/2019 07:43 (GMT+7)
(VNF) - Anh, Đức và Pháp đã đồng loạt lên tiếng, bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông, sợ tình thế sẽ "có thể dẫn tới mất an ninh và ổn định trong khu vực", trong khi Ấn Độ phản đối đe dọa hoặc dùng vũ lực.
Ngày 29/8, trang web Bộ Ngoại giao Đức đăng tải thông cáo về tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông.
Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm của họ đối với việc áp dụng phổ biến Công ước đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các các vùng biển bao gồm cả ở Biển Đông phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Họ nhắc lại Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/7/2016.
Cũng theo thông cáo, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử dựa trên các quy tắc, hợp tác và hiệu quả phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích tiến tới kết luận sớm.
Đức, Pháp và Anh kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển Biển Đông thực hiện các biện pháp và giải pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển, quyền tự do và hàng hải trên khu vực Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định: "Biển Đông là một phần của chung trên toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, đã tôn trọng lợi ích của hòa bình và ổn định khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng nước quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS".
Trước đó, trong một thông cáo đăng trên trang web của Cơ quan Đối ngoại châu Âu ngày 28/8, người phát ngôn cơ quan này nhấn mạnh: “Những hành động đơn phương trong các tuần qua trên Biển Đông đã gây leo thang căng thẳng và làm xấu đi môi trường an ninh hàng hải, cho thấy nguy cơ nghiêm trọng với sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực”.
Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Kể từ đầu tháng 7, Biển Đông xuất hiện dấu hiệu leo thang căng thẳng khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã 2 lần xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi vào bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam”.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.