Nhìn lại những sự cố thủy điện nguy hiểm xảy ra tại Việt Nam

Lệ Chi - 25/07/2018 15:57 (GMT+7)

(VNF) - Trong những năm gần đây, tại Việt Nam liên tục xuất hiện những sự cố thủy điện nguy hiểm, gây ra không ít thiệt hại cho người dân.

VNF
Nhìn lại những sự cố thủy điện nguy hiểm của Việt Nam

Như VietnamFinance đã thông tin, sự cố vỡ đập xảy ra tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu (Lào) vào cuối ngày 23/7 đã khiến 500 triệu mét khối nước thoát ra ngoài.

Văn Phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (Lào) cho biết vụ việc khiến 70 người chết, hơn 200 người mất tích và nhiều tài sản bị nước cuốn trôi.

Sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra tại Lào hôm 23/7.

Trên thế giới, thủy điện phát triển rất mạnh. Bất cứ nơi nào có thể khai thác được nguồn thủy năng thì đều có thủy điện. Chẳng hạn ở Na Uy, 97% tổng sản lượng điện là từ thủy điện.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo các chuyên gia, ở nước ta thủy điện chiếm hơn 30% tổng lượng điện quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục xảy ra những sự cố thủy điện, gây nhiều thiệt hại khôn lường về người và của.

Cụ thể, vào tháng 10/2010, sự cố tràn đập thủy điện Hố Hô đã khiến hàng chục nghìn người dân Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa vì nỗi lo vỡ đập, chủ đầu tư thiệt hại nặng nề khi cả nhà máy thủy điện Hố Hô bị san phẳng.

Hay như vào tháng 6/2011, tại Lâm Đồng, đường ống dẫn nước từ đập về Nhà máy thủy điện Đam Bol cũng bất ngờ bị vỡ. Sự cố khiến một người chết, một người mất tích và ba người bị thương nặng.

Vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 vào năm 2012.

Năm 2012, vụ vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) cũng khiến dư luận xôn xao. Hai khoang tràn (ngang 20m, cao 6m) bên trên của đập chính nhà máy đã bị vỡ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2012, thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) gây ồn ào khi xuất hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước ở thân đập chính của công trình. Sự cố khiến dư luận hoang mang khi đây là một trong những vùng có nhiều nguy cơ xảy ra động đất.

Năm 2013, đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5MW trên suối Ia Krêl - Gia Lai) bị vỡ toác. Dòng nước thoát ra đã phá hủy hàng trăm ha hoa màu, làm ngập 69 ngôi nhà cùng nhiều ô tô, xe máy...

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 vào năm 2013.

Tháng 11/2013, tại Bình Định, mưa lớn đã kéo hàng ngàn tấn đất đá vùi lấp công trình Nhà máy thủy điện An Khê – KaNak đóng tại xã Tây Thuận.

Cũng trong năm 2013, tại Dự án thủy điện Vĩnh Hà (Lào Cai), mưa lũ đã gây vỡ đê bao kỹ thuật đập thủy điện Vĩnh Hà, làm thiệt hại cho chủ đầu tư khoảng 20 tỷ đồng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều hộ gia đình trong vùng dự án xây đập thủy điện.

Tháng 8/2014, một sự cố khác "ầm ĩ" khác của thủy điện là dự án thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ đê quai thượng lưu. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai thủy điện này gặp sự cố.

Đến tháng 12 cùng năm lại xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng). Vào thời điểm sập hầm, có 11 công nhân, cán bộ kỹ thuật đang làm việc, trong đó có 1 công nhân nữ.

Đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ vào năm 2016.

Sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Bung 2 tiếp tục nối dài danh sách những dự án thủy điện gây ra tai họa cho người dân. Vào năm 2016, sự cố thủy điện lại tái diễn khi đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ, khiến 2 công nhân thiệt mạng, cuốn trôi nhiều người, máy móc, nhà cửa....

>>> Xem thêm: Vụ vỡ đập thủy điện tại Lào: Đã giải cứu 26 công nhân của Hoàng Anh Gia Lai

Cùng chuyên mục
Tin khác