NHNN gia hạn Thông tư 02: Tin vui cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

Khánh Tú - 20/02/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02 được xem là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng liên quan đến xử lý nợ xấu.

VNF
Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Phía NHNN cũng đã đề nghị Vụ tín dụng cùng cơ quan thanh tra, vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024.

Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, thời gian kéo dài Thông tư 02 thêm bao lâu, nửa năm, một năm, hay bao nhiêu thì cần phải có đánh giá kỹ hơn.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã lên tiếng kiến nghị tiếp tục kéo dài Thông tư 02. Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách VietinBank, cho hay việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh khách hàng vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 – 2025.

Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng MB, BIDV và VPBank cũng đề xuất gia hạn Thông tư 02 nhằm giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đề nghị kéo dài thêm từ 6 tháng đến 1 năm.

NHNN sẽ tiếp tục gia hạn Thông tư 02.

Thông tư 02 được NHNN ban hành vào tháng 4/2023, quy định về việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Sau thời gian triển khai, Thông tư 02 được đánh giá là kịp thời và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo báo cáo Đánh giá nhanh tác động của Thông tư 02 và Thông tư 03 của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tiếp theo.

Ở chiều ngược lại, các tổ chức tín dụng cũng giảm đi được áp lực hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng, nhất là đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao như Techcombank, MB hay VPBank.

Trong tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã có bước chững lại. Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, trước tình hình trên, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay nhưng các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng trái lại cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi”.

Cùng chuyên mục
Tin khác