NHNN: Tín dụng tăng 3,34% đến ngày 16/4, lãi suất vẫn có cơ sở giảm tiếp

Minh Tâm - 22/04/2021 14:39 (GMT+7)

(VNF) - "Thanh khoản hiện nay vẫn khá tốt, lạm phát được kiểm soát nên lãi suất vẫn có cơ sở để tiếp tục giảm trong thời gian tới", ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh.

VNF
NHNN: Tín dụng tăng 3,34% đến ngày 16/4, lãi suất vẫn có cơ sở giảm tiếp

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng thời kỳ, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34%. Riêng với ngành bất động sản, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tăng trưởng tín dụng ngành này từ đầu năm đến nay khoảng trên 3%, không phải là mức tăng "nóng". Thời gian tới, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực này.

Năm 2021, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12%, tuy nhiên sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. 

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối cho 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là gần 40 tỷ đồng.

Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN cho biết vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.

Theo chia sẻ từ ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, năm ngoái, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất đã giảm dần.

"Thanh khoản hiện nay vẫn khá tốt, lạm phát được kiểm soát nên lãi suất vẫn có cơ sở để tiếp tục giảm trong thời gian tới. Lãi suất cho vay sẽ diễn biến phù hợp với chi phí đầu vào của các TCTD và các diễn biến khác liên quan", ông Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đến cuối tháng 3/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.

Về công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, đến nay, hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN cho hay đã chỉ đạo các TCTD rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch Covid-19; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng sẽ mở rộng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán...

"Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thành Nghị định mới về TTKDTM và các Thông tư hướng dẫn triển khai", NHNN nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác