Những doanh nghiệp niêm yết có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 'khủng' trong quý I/2021

Thanh Long - 09/03/2021 09:58 (GMT+7)

(VNF) - Khá nhiều doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ có mức tăng lợi nhuận quý I/2021 "khủng" từ 40% trở lên, thậm chí gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần cùng kỳ năm ngoái.

VNF
Những doanh nghiệp niêm yết có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 'khủng' trong quý I/2021

Đại dịch Covid-19 bùng phát trong quý I/2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động các doanh nghiệp. Tổng lợi nhuận quý I/2020 các mã chứng khoán trên sàn sụt giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ năm trước đó, đặc biệt các mã du lịch và vận tải.

Nhờ việc khống chế dịch bệnh thần tốc và hiệu quả của Chính phủ, nền kinh tế cũng như lợi nhuận doanh nghiệp sau đó chứng kiến sự hồi phục hình chữ "V" đầy ngoạn mục. Đà hồi phục dự kiến sẽ tiếp diễn trong quý I/2021 và tạo mức tăng trưởng rất cao so với nền thấp năm ngoái. Đây là câu chuyện đầu tư hấp dẫn và dự kiến sẽ thu hút dòng tiền trong tháng 3 này.

Khá nhiều doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ có mức tăng lợi nhuận quý I/2021 "khủng" từ 40% trở lên, thậm chí gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần cùng kỳ năm ngoái, theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) công bố trong báo cáo nhận định mới đây.

Đầu tiên phải kể đến Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (HNX: PGS). Đây là nhà cung cấp khí hóa lỏng (LPG) hàng đầu trong nước với thị phần chiếm khoảng 29% thị trường phía nam và là cung cấp khí CNG hàng đầu cả nước.

Do ảnh hưởng bởi biến động giá khí, PGS ghi nhận lỗ trong quý I/2020. Năm nay, giá khí vượt đỉnh của năm 2019 sẽ giúp lợi nhuận PGS tăng tốt.

Theo dự báo của Agriseco, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của PGS có thể lên đến 300%.

Cũng được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng lợi nhuận lên đến 300% là Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu SAVIMEX (HoSE: SAV).

Lĩnh vực hoạt động chính của SAV là sản xuất và kinh doanh chế biến gỗ. Công ty hiện có hai nhà máy sản xuất, một xưởng thiết kế nội thất và một trung tâm bất động sản. Các sản phẩm có tiếng của công ty có thể kể đến như: Savi Woodtech, Savi Décor, Savi Homes. Các sản phẩm chế biến gỗ chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu.

Dự báo lạc quan về lợi nhuận của SAV dựa trên diễn biến sản lượng xuất khẩu gỗ đang tăng mạnh do nhu cầu nội thất tại Mỹ và châu Âu ở mức cao.

Gây ấn tượng không kém là Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (HoSE: TDM) với mức tăng lợi nhuận sau thuế quý I/2021 có thể lên đến 280%.

Đây là công ty nước tư nhân tại tỉnh Bình Dương (khu kinh tế trọng điểm ở miền Nam). Công ty bắt đầu với lượng công suất 50.000 m3/ngày vào năm 2015; TDM hiện đặt mục tiêu 260.000 m3/ngày trong năm 2020. TDM sở hữu 38,5% cổ phần tại BWE, công ty có trọn vẹn chuỗi giá trị nước tại tỉnh Bình Dương.

TDM dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận tài chính khoảng 70 tỷ cổ tức từ BWE trong quý I/2021 trong khi cùng kỳ không có khoản này. Nếu tính riêng lợi nhuận cốt lõi, TDM có thể tăng trưởng khoảng 50% khi giá nước và sản lượng cùng tăng.

"Ông lớn" ngành phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX), cũng đang trong bối cảnh kinh doanh rất thuận lợi khi giá xăng dầu và nhiên liệu bay đều đang có hồi phục tích cực theo cùng xu hướng tăng của giá dầu thế giới. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2021 theo đó có thể đạt tới 147% so với cùng kỳ năm ngoái.

PLX là công ty hàng đầu trong mảng phân phối sản phẩm xăng dầu với 50% thị phần. PLX có 2.700 trạm COCO (do chính công ty sở hữu và vận hành, bán lẻ) và 2.800 trạm DODO (do đại lý sở hữu và vận hành, bán buôn). Các mảng kinh doanh khác bao gồm hóa dầu (dầu nhờn, nhựa đường), khí hóa lỏng (LPG), vận chuyển xăng dầu, bảo hiểm và ngân hàng.

Trong khi đó, "ông lớn" ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: PLX) vẫn tiếp tục được dự báo trong xu hướng tiến lên.

HPG là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với thị phần 32,5% và 31,7% lần lượt trong mảng thép xây dựng (công suất thiết kế hiện tại là 4,2 triệu tấn/năm) và mảng ống thép (gần 800.000 tấn/năm). Các hoạt động kinh doanh khác bao gồm sản xuất công nghiệp, bất động sản và thức ăn chăn nuôi.

Quý I/2021, HPG bắt đầu vận hành hoàn chỉnh toàn bộ Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, nâng tổng công suất thép thô từ 5,5 triệu tấn của năm 2020 lên 8 triệu tấn. Giai đoạn 2 của Dung Quất cho ra lò thép cuộn cán nóng (HRC). Đây là sản phẩm có nhu cầu vượt nguồn cung nội địa và luôn đắt hàng khi cung không đủ cầu để đáp ứng các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của HPG dự kiến đạt 120%.

Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (HoSE: CNG) và Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) là hai doanh nghiệp niêm yết được Agriseco dự báo sẽ cùng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 100% trong quý I/2021.

Cụ thể, CNG là một trong 4 doanh nghiệp cung cấp khí nén lớn nhất Việt Nam với tổng sản lượng hàng năm khoảng trên 200 triệu m3. Khí nén của CNG được tiêu thụ ở thị trường nội địa và chủ yếu tập trung tại thị trường miền Nam (80%).

Việc giá gas tăng mạnh sẽ hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận cho CNG.

Trong khi đó, ANV là doanh nghiệp top 3 về xuất khẩu cá tra ở Việt Nam, sở hữu 3 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 600 tấn cá nguyên liệu/ngày. ANV có chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Theo Agriseco, lợi nhuận của doanh nghiệp này có thể hồi phục trở lại khi giá cá tra được cải thiện so với đầu 2020, tình hình xuất khẩu có chuyển biến. Thêm vào đó, ANV sẽ ghi nhận lợi nhuận từ điện mặt trời từ quý I năm nay.

Không ít doanh nghiệp niêm yết khác được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 40% trong quý đầu năm. Có thể kể đến Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) có thể đạt mức tăng lợi nhuận 60% nhờ tiêu thụ bia phục hồi do dịch bệnh ổn định hơn, cùng với đó, người dân đã thích nghi với Nghị định 100. Thêm vào đó, việc SAB quản lý tối ưu hóa cũng sẽ giúp "ông lớn" ngành bia này tăng trưởng mạnh trên nền lợi nhuận thấp cùng kỳ 2020.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) thì được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận 54%, nhờ nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi. Việc POW ký kết hợp đồng 3,2 triệu tấn than/năm với TKV đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy điện than, kết hợp với phụ lục hợp đồng với GAS được ký mới giúp cung ứng đủ nguồn khí cho các nhà máy nhiệt điện khí trong năm 2021.

Lợi nhuận quý I/2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) được Agriseco dự báo tăng gấp rưỡi, nhờ sản lượng photpho vàng trong quý I dự kiến tăng khoảng 10% trong khi giá trung bình tăng 5% do nhu cầu sản xuất các thiết bị 5G và đồ điện tử tăng mạnh. Thêm vào đó, dự án mỏ apatit - Khai trường 25 dự kiến cũng sẽ giúp DGC cải thiện lợi nhuận khoảng 150-200 tỷ/năm.

Một số doanh nghiệp khác có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý I/2021 có thể kể đến: Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thực phẩm Hồng Hà (HoSE: HSL) tăng 48%; Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH) tăng 47%; Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) tăng 40%; Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) tăng 40%...

Cùng chuyên mục
Tin khác