Những giao dịch ngân hàng trực tuyến không yêu cầu xác thực sinh trắc học

Minh Anh - 02/07/2024 11:37 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng thì không cần xác thực sinh trắc học.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/7, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay).

Theo quy định, các loại giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học gồm: chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản, chuyển tiền liên ngân hàng trong nước, nạp ví điện tử.

Ngoài ra, tất cả giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài; giao dịch thanh toán hoá đơn tiện ích có tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng/ngày; kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng cũng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học.

Như vậy, không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học.

Cụ thể như nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như chuyển tiền trong nước, nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng.

Với các giao dịch này, khách hàng vẫn thực hiện trên ứng dụng ngân hàng như trước thời điểm ngày 1/7.

Song các ngân hàng khuyến cáo khách hàng ngay cả khi không thường xuyên có giao dịch phải xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt vẫn nên đăng ký tính năng này.

Xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay) là một lớp xác thực bổ sung bên cạnh lớp xác thực hiện tại bằng tin nhắn OTP (SMS OTP) hoặc Smart OTP (khi thực hiện giao dịch với giá trị theo quy định, khách hàng phải xác thực sinh trắc học thành công mới có thể tiếp tục chuyển tiếp sang bước xác thực bằng SMS OTP hoặc Smart OTP).

Việc triển khai Facepay giúp gia tăng bảo vệ cho khách hàng trước các diễn biến phức tạp của tình trạng gian lận lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Với việc áp dụng Facepay, kể cả trong trường hợp kẻ gian dùng thủ đoạn đánh cắp thông tin của khách hàng thì cũng khó có khả năng thực hiện hành vi tẩu tán tài sản (chuyển tiền giá trị lớn). Đây là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến.

Để xác thực khuôn mặt khi giao dịch, khách hàng cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học với ngân hàng. Theo hướng dẫn của các ngân hàng, người dùng có thể chủ động thực hiện đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên smartphone theo ba bước: chụp ảnh mặt trước và sau của CCCD gắn chip; quét NFC (chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication) trên CCCD gắn chip; quét gương mặt và xác thực OTP.

Đa số khách hàng cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Nhưng trên các hội nhóm công nghệ, nhiều người phản ánh tình trạng gặp khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng (app) ngân hàng, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD.

Trong trường hợp khách hàng có CCCD gắn chip nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC hoặc sử dụng điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng gặp sự cố trong khâu quét NFC, khách hàng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ. Khách hàng chỉ phải cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng.

Cảnh giác chiêu trò mạo danh ngân hàng dụ xác thực sinh trắc học

Cảnh giác chiêu trò mạo danh ngân hàng dụ xác thực sinh trắc học

Ngân hàng
(VNF) - Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học khuôn mặt, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ với mục đích đánh cắp thông tin người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Cùng chuyên mục
Tin khác