Cảnh giác chiêu trò mạo danh ngân hàng dụ xác thực sinh trắc học
(VNF) - Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học khuôn mặt, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ với mục đích đánh cắp thông tin người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Chiêu trò mạo danh ngân hàng dụ xác thực sinh trắc học
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7, người dân muốn thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên đều bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc. Các ngân hàng cũng đều có thông báo, hướng dẫn bằng cả văn bản lẫn video để người dân dễ dàng thao tác xác thực sinh trắc khuôn mặt. Tuy nhiên, không ít người còn loay hoay khi xác thực sinh trắc học.
Lợi dụng tình trạng này, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học.
Bà Thanh Nga (Hà Nội) cho biết 1 tuần trước, do loay hoay cả ngày để xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng nhưng không được, bà đã lên mạng xã hội tìm những bài viết hướng dẫn cài sinh trắc học.
Sau đó, có người tự xưng là nhân viên tín dụng gọi đến yêu cầu cung cấp căn cước công dân (CCCD), mã pin để hỗ trợ xác thực sinh trắc học, thời gian chỉ mất 5 phút. Bà nghi ngờ lừa đảo nên đã từ chối.
Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng cũng đã gửi cảnh báo tới người dùng.
Ngày 30/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam gửi cảnh báo về việc các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học.
Cách thức lừa đảo được các đối tượng thực hiện đó là liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Đồng thời đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ.
Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu khác.
Cảnh giác để tránh rủi ro
Lãnh đạo Bộ Công an lưu ý, khi quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7, tội phạm cũng sẽ tìm cách đối phó.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an (A05) mới đây cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao đang hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Chúng xây dựng kịch bản, phân công vai trò cụ thể, lợi dụng triệt để công nghệ để tấn công. Một chiêu lừa phổ biến là giả mạo tin nhắn, tổng đài hoặc nhân viên ngân hàng để dụ người dùng cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP, từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Do đó, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng.
Theo thông tin từ một số ngân hàng, khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ có chính chủ mới thực hiện được, do đó không thể hỗ trợ từ xa. Các ngân hàng đều cho biết thường không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học. Do đó, người dùng cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi mạo danh này. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
Agribank khuyến cáo khách hàng các biện pháp để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.
Khách hàng tuyệt đối cảnh giác và không truy các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Tương tự, Sacombank cũng lưu ý khách hàng để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Sacombank tuyệt đối không yêu cầu khách cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link.
Theo các ngân hàng, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.
Không thể xác thực sinh trắc học trên app: Những lỗi cần khắc phục ngay
- NHNN: Xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn tới khách hàng 28/06/2024 12:24
- Xác thực sinh trắc học không phải 'đũa thần' chống lừa đảo 28/06/2024 08:00
- Thêm quy định về xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng 14/06/2024 06:19
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.