Tài chính

Nợ khó đòi của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất tăng 14 lần, vượt ngưỡng 10.000 tỷ

(VNF) – Nợ phải thu khó đòi năm 2018 của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 10.082 tỷ đồng, tăng gấp 14,5 lần so với năm 2017 (695 tỷ đồng).

Nợ khó đòi của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất tăng 14 lần, vượt ngưỡng 10.000 tỷ

Dự án Đạm Ninh Bình khiến số nợ phải thu khó đòi của Công ty mẹ - Vinachem lên tới 10.082 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, sở dĩ Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số nợ khó đòi lớn như trên là do công ty này phải thực hiện trả nợ khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2035/VPCP-KTTH ngày 13/7/2017 về khoản vay China Eximbank của dự án Đạm Ninh Bình nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn.

Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 861 tỷ đồng.

Ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các công ty mẹ khác có số nợ phải thu khó đòi lớn (năm 2018) bao gồm: Công ty mẹ - Viettel (1.063 tỷ đồng);  Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông Mobifone (603 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (321 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê Việt Nam (288 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (259 tỷ đồng); Công ty mẹ - Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (240 tỷ đồng)…

Các Công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 40%) bao gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (nợ phải thu là 5.486 tỷ đồng, chiếm 44%); Công ty mẹ - Tổng công ty Thái Sơn (nợ phải thu 2.041 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 778 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (nợ phải thu 218 tỷ đồng, chiếm 50%).

Báo cáo tài chính hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy số nợ phải thu khó đòi năm 2018 là 12.277 tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải thu khó đòi lớn có thể kể đến như: Viettel (1.413 tỷ đồng); Mobifone (605 tỷ đồng); VNPT (493 tỷ đồng); TKV (385 tỷ đồng); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (362 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê Việt Nam (361 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (355 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (298 tỷ đồng); Tổng công ty 15 (284 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (244 tỷ đồng); Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (208 tỷ đồng)…

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 12.993 tỷ đồng.

Về hàng tồn kho, báo cáo hợp nhất cho thấy các tập đoàn, tổng công ty có tổng số hàng tồn kho là 146.811 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2017.

Những cái tên có hàng tồn kho lớn gồm: PVN (24.730 tỷ đồng); Viettel (19.907 tỷ đồng); EVN (17.175 tỷ đồng); TKV (12.345 tỷ đồng); Vinachem (9.680 tỷ đồng); Vinataba (9.290 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (7.783 tỷ đồng)...

Về nợ nước ngoài, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là 484.769 tỷ đồng (vay ngắn hạn là 7.432 tỷ đồng; vay dài hạn là 477.337 tỷ đồng).

Trong đó: vay lại vốn ODA của Chính phủ là 186.256 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 220.497 tỷ đồng; vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 70.584 tỷ đồng…

Tổng nợ nước ngoài của các Công ty mẹ là 336.632 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - EVN là 217.971 tỷ đồng; Công ty mẹ - PVN là 30.283 tỷ đồng; Công ty mẹ - TKV là 15.093 tỷ đồng; Công ty mẹ - HFIC là 2.624 tỷ đồng; Công ty mẹ - Vinapaco là 2.094 tỷ đồng.

Tin mới lên