Vinachem: Lỗ gần 280 tỷ đồng nửa đầu năm, trích lập dự phòng gần 5.600 tỷ đồng cho 'bộ tứ thua lỗ'
Thanh Long -
08/10/2019 11:39 (GMT+7)
(VNF) - Kết thúc nửa đầu năm 2019, Công ty mẹ Vinachem lỗ 279 tỷ đồng, khác xa mức lãi 70,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, "ông trùm" ngành hóa chất này đang phải trích lập dự phòng tới 5.585 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào "bộ tứ thua lỗ" Đạm Hà Bắc - Đạm Ninh Bình - DAP số 2 Vinachem - DAP Vinachem.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ năm 2019 vừa được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố, nửa đầu năm nay, Công ty mẹ Vinachem ghi nhận doanh thu thuần 1,5 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp âm (-) 259 triệu đồng.
Trong kỳ, Công ty mẹ Vinachem cũng ghi nhận 446 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 22% so với kỳ trước. Phần lớn doanh thu tài chính của Vinachem đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia với 249 tỷ đồng, kế đó là lãi bán các khoản đầu tư 158 tỷ đồng và lãi tiền gửi, tiền cho vay với 38,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính nửa đầu năm nay của Công ty mẹ - Vinachem lên đến 285 tỷ đồng, tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn bộ lượng chi phí tài chính này đến từ việc trích lập giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng ghi nhận 441 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 44%; trong đó chủ yếu là chi phí dự phòng (402 tỷ đồng).
Kết thúc nửa đầu năm 2019, Công ty mẹ Vinachem lỗ 279 tỷ đồng, khác xa mức lãi 70,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Công ty mẹ Vinachem ở mức 20.338 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn với 7.735 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 7.229 tỷ đồng.
Đi sâu hơn, Công ty mẹ Vinachem hiện phải trích lập dự phòng tới 5.604 tỷ đồng, chủ yếu cho các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty con. Riêng "bộ tứ" Đạm Hà Bắc - Đạm Ninh Bình - DAP số 2 Vinachem - DAP Vinachem đã phải trích lập dự phòng tổng cộng gần 5.585 tỷ đồng; trong đó, Đạm Hà Bắc phải trích lập 2.330 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình trích lập 2.313 tỷ đồng, DAP số 2 Vinachem trích lập 802 tỷ đồng và DAP Vinachem trích lập 138 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ Vinachem đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 13.436 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 3.902 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay là 5.642 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, một số khoản vay ngân hàng thương mại của tập đoàn này đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 668,9 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 336 tỷ đồng.
Như vậy, tổng gốc và lãi quá hạn, phạt chậm nộp là trên 1.000 tỷ đồng.
Các khoản vay này được Vinachem cho Công ty Đạm Ninh Bình vay lại nhưng Đạm Ninh Bình không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ cho Vinachem. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là "Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 1760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm)" đã tạm bàn giao cho Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone