Nỗ lực thành ngôi sao kinh tế đêm của Trung Quốc

Hà Thu - 06/10/2019 09:08 (GMT+7)

Không chỉ các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại sáng đèn mà Chính phủ Trung Quốc muốn cả y tế và các dịch vụ công cũng thức cùng kinh tế đêm.

VNF
Nỗ lực thành ngôi sao kinh tế đêm của Trung Quốc.

Cuối tháng 8, Chính phủ Trung Quốc công bố 20 biện pháp thúc đẩy tiêu dùng. "Thị trường và hoạt động kinh doanh đêm sôi động" là một biện pháp trong số đó. Đây là lần đầu tiên Chính phủ nước này khởi động kế hoạch thúc đẩy kinh tế đêm. Vài tháng qua, nó chỉ là nỗ lực chính sách rải rác của các thành phố lớn, như Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới gần đây liên tiếp nhận tin không mấy tích cực. Các số liệu công bố tuần này càng khiến triển vọng của Trung Quốc thêm u ám. Doanh số bán lẻ tháng 8 gây thất vọng khi chỉ tăng 7,5%.

Các trung tâm thương mại thể hiện khá rõ nỗ lực tận dụng kinh tế đêm, không chỉ bằng việc tăng giờ mở cửa. "Xu hướng mới tại các trung tâm thương mại là mở khu vực ẩm thực gần lối ra vào tầng một", Ellen Wei - Giám đốc bán lẻ tại JLL Trung Quốc cho biết. Một số còn sắp xếp dàn nhạc sống, nhà hàng bia tươi, khu trò chơi thoát khỏi phòng kín, e-sports và cả rạp hát. Giờ cao điểm cho các hoạt động này là vào tối hoặc đêm muộn.

Một chợ đêm tại Thẩm Dương (Trung Quốc) nhìn từ trên cao. Ảnh: Xinhua

"Kinh tế đêm đã tăng lưu lượng khách cho các địa điểm này", Wei nói. Phần lớn hoạt động diễn ra từ 6h tối đến 12h sáng. "Các hãng bán lẻ rất vui vì chính phủ ủng hộ kinh tế đêm", bà cho biết.

Hồi tháng 5, Hopson One - một trong các trung tâm thương mại nổi tiếng nhất tại đây thông báo chính thức khai trương "canteen đêm". Họ cho biết muốn "tăng lựa chọn cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đêm của thành phố".

Hiện tại, nơi này có gần 20.000m2 khu ẩm thực dưới tầng hầm, được bài trí theo phong cách cổ trấn, với đường hẹp và lát đá. Hopson cho biết sẽ bổ sung nhiều hoạt động, như nhảy đường phố, DJ và các dịch vụ tương tác. Khu vực này mở cửa đến đêm. Trong khi các hoạt động còn lại của trung tâm đóng cửa như bình thường, vào 10h tối hoặc sớm hơn.

Dịch vụ giao đồ ăn cũng rất hào hứng với hoạt động về đêm. Meituan Dianping - một trong các công ty hàng đầu Trung Quốc về lĩnh vực này, cho biết trong 6 tháng đầu năm, các đơn hàng tại Thượng Hải từ 9h tối đến 5h sáng tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần hai phần ba số đơn rơi vào 9h-11h tối. Tại các thành phố khác, như Hàng Châu hay Thiệu Hưng, số đơn hàng đêm nửa đầu năm cũng tăng hơn 40%.

Không chỉ các hãng bán lẻ tăng giờ hoạt động, trung tâm y tế cũng bắt đầu làm việc này. Một bệnh viện tại ngoại ô Bắc Kinh hồi tháng 8 thông báo mở một phòng khám buổi tối các ngày trong tuần, từ 4h50 đến 8h30.

Vài năm gần đây, nhiều bệnh viện tại Trung Quốc cũng mở phỏng khám đêm, hoặc tăng giờ hoạt động. "Khi hoạt động về đêm ngày càng phổ biến, kinh tế đêm tại nhiều thành phố lên cao, y tế đêm cũng không nên tụt lại phía sau", People’s Daily cho biết.

Khách tham quan một buổi biểu diễn ánh sáng tại Chiết Giang. Ảnh: Xinhua

Du lịch cũng là một lĩnh vực giới chức nước này muốn nhắm tới. Nhiều thành phố đã chi hàng triệu nhân dân tệ để làm các buổi biểu diễn ánh sáng, hoặc địa điểm liên quan đến đèn chiếu sáng để thu hút du khách. "Nhiều địa phương đã lên kế hoạch chi hơn 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD) cho việc thắp sáng. Việc này còn giúp ngành đèn LED có thêm cơ hội tăng trưởng", hãng nghiên cứu Gaogong cho biết hồi tháng 6.

Thanh Đảo, Yên Đài và Hàng Châu nằm trong số các thành phố Trung Quốc chi đậm cho các buổi biểu diễn ánh sáng vài năm gần đây. Tử Cấm Thành (Bắc Kinh) hồi tháng 2 cũng tổ chức sự kiện này, khi lần đầu mở cửa ban đêm trong gần một thế kỷ qua.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài cần đi nếu muốn có kinh tế ban đêm rực rỡ như các thành phố lớn trên thế giới, điển hình là New York hay London. "Kinh tế đêm là sự phản ánh quan trọng về sức sống của nền kinh tế", Qin Gang - Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết.

Ông chỉ ra các khoản chi về đêm chủ yếu rơi vào show diễn Broadway và các hoạt động văn hóa khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện không có đủ số hoạt động như vậy. Vì thế, họ cần tăng cường sự kiện văn hóa, giải trí, nghệ thuật tại đây.

Du khách tham gia sự kiện bắt cá tại một ngôi làng ở Hàng Châu. Ảnh: Xinhua

Việc mở các "canteen đêm muộn" cũng trái ngược với tình trạng thiếu vắng chợ đêm ở Bắc Kinh. Vài năm gần đây, thành phố này tăng dọn dẹp các khu từng tập trung nhiều người bán đồ ăn đường phố, và đóng cửa các khu vực bị coi là mất vệ sinh. "Những người bán đồ ăn đường phố luôn là một phần của cuộc sống về đêm sôi động. Nó là sự vui vẻ, là hưởng thụ cuộc sống", Kolleen Guy - giáo sư sử học tại Đại học Duke Côn Sơn cho biết.

Dù vậy, "đường phố là nơi chính phủ khó kiểm soát. Nếu đưa người dân vào khu vực trong nhà, bạn có thể kiểm soát người đi người đến", bà nói.

Một thách thức khác là các trung tâm thương mại sẽ phải chấp nhận rủi ro khi vốn đầu tư ban đầu có thể không mang lại lợi nhuận. "Các hãng bán lẻ sẽ phải gánh chi phí phát sinh khi tăng thời gian mở cửa mà chưa chắc mang lại doanh thu tương xứng, do lưu lượng khách về đêm khá rải rác", Wei cho biết.

Bên cạnh đó, phương tiện giao thông công cộng hạn chế cũng khiến việc phát triển kinh tế đêm gặp khó. Cũng như nhiều thành phố châu Á, hệ thống tàu điện ngầm của Bắc Kinh không hoạt động sau nửa đêm.

"Tôi đề xuất Bắc Kinh nên giống New York, mở một hoặc vài tuyến tàu điện ngầm 24/24", Qin nói, "New York là thành phố 24 giờ, thành phố không ngủ".

Theo VNE/CNBC/Xinhua
Cùng chuyên mục
Tin khác